TPO - Nghi thức cưới hỏi đặc sắc, độc đáo được người Nùng Phàn Slình đến từ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).
|
Theo phong tục của người Nùng, lễ cưới là hình thức bao gồm các nghi lễ cổ truyền được tiến hành để hợp thức hóa quan hệ vợ chồng cho đôi trai gái. Cho đến nay, phong tục này vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng dân tộc. |
|
Để tiến tới hôn nhân, người Nùng phải thực hiện trang trọng các nghi lễ như: Lễ so tuổi, Lễ dạm hỏi, Lễ dẫn cưới, Lễ đón dâu, Lễ lại mặt và một số tục lệ khác. Trong đó Lễ cưới là một nghi lễ đặc biệt. Trước lễ cưới là lễ ăn hỏi. Tại đây, hai bên gia đình bàn bạc những vấn đề chính liên quan đến đám cưới như lễ vật, ngày giờ đón dâu. Sau khi mọi công việc trên hoàn tất, hai bên gia đình sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho lễ cưới. |
|
Phong tục cưới hỏi của người Nùng rất quan trọng. Người Nùng có quan niệm chuẩn bị tốt, chu đáo mọi việc trước hôn nhân thì đám cưới của cô dâu, chú rể mới thật sự hạnh phúc. Người Nùng thường chọn thời điểm cưới vào tháng 8 cho đến tháng 10 âm lịch. Trong ảnh: Trước lễ đón dâu, cô dâu được bạn bè, người thân chuẩn bị khăn áo và rửa mặt trước nhà. |
|
Theo phong tục của người Nùng, trong lễ đón dâu nhất định phải có lợn quay. |
|
Cô dâu rạng rỡ trong ngày trọng đại của mình. |
|
Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái xin dâu. Đoàn đón dâu gồm: người gánh sính lễ, ông mối (gọi ông mòi); cô đón (nàng tẳng); chú rể (pò khưi) và phù rể (khơi pợn). Lễ đón dâu của người Nùng phải đúng thời gian quy định như đã ước hẹn trong lễ ăn hỏi. Đoàn đón dâu của người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người. Bởi theo quan niệm dân gian của người Nùng, số chẵn là số may mắn (đủ đôi, đủ cặp). |
|
Tiếp đó ông mối làm nghi lễ cúng trước sân. Chú rể thực hiện một số nghi thức với ý nghĩa bảo vệ sự bình an cho gia đình. |
|
Trong khi đợi người lớn làm lễ trong nhà, chú rể và đoàn đón dâu giao lưu với nhà gái. |
|
Nhà gái đón sính lễ và mời đoàn nhà trai vào nhà dự tiệc. Lúc này ông mối tiến hành các nghi lễ theo phong tục địa phương, như nghi lễ bổ cau... |
|
Ông mối (nhà trai) và ông đưa (nhà gái) làm lễ bổ cau và trao giấy ghi số mệnh của cô dâu. |
|
Quả cau được bổ làm đôi để tượng trưng cho đôi lứa đã được tổ tiên chứng giám, hai bên gia đình và họ hàng chấp thuận, hạnh phúc viên mãn. |
|
Cô dâu và chú rể lễ tổ tiên và mời rượu mọi người. |
|
Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin đón dâu. |
|
Theo phong tục, ngày xưa có nhiều dã thú và đề phòng bất trắc, nhà trai rước dâu sẽ đi trước, sau đó một đoạn lại quay lại đón dâu với ý nghĩa bảo vệ sự bình an, rồi tiếp tục hành trình. |
|
Của hồi môn của cô dâu. |
|
Ông mối vào buồng cô dâu, trải chiếu và niệm chú cầu hạnh phúc cho đôi bạn trẻ. |
|
Cô dâu được đưa vào buồng tân hôn, thực hiện nghi lễ đốt bốn que diêm trải bốn góc tường, với ý nghĩa tẩy uế và cầu sự ấm áp, tràn đầy yêu thương. |
|
Hai họ cùng vui hát Sli và Cỏ lẩu đám cưới để chúc phúc cho cô dâu, chú rể có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc trọn đời bên nhau. |
Lễ cưới của dân tộc Nùng là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hoá lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, ước muốn mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng. Việc tái hiện nghi thức cưới hỏi là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của người Nùng, là cơ hội để đồng bào Nùng quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới du khách trong nước và quốc tế tại Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em.
Duy Phạm