Chuyện chưa kể về tộc người 'bí ẩn nhất thế giới': Gian nan bảo tồn 'người em út'

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ biên phòng nhiều lần vận động người Rục rời hang đá
Cán bộ biên phòng nhiều lần vận động người Rục rời hang đá
TP - Năm 1960, sau nhiều đợt luồn rừng tìm kiếm, vận động của cơ quan chức năng, người Rục chính thức về định cư ở thung lũng Cu Nhái, cách trung tâm xã Thượng Hoá hơn 11km đường rừng. Người Rục một thời đã thành lập được HTX nông nghiệp cho riêng mình. Tuy nhiên do chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ cùng dịch bệnh liên miên, mỗi lần như thế họ lại quay về hang đá sống cuộc sống thuở “hồng hoang”.

Nhiều lần trở lại hang đá

Theo các cụ cao niên người Rục, ngay sau khi rời hang đá, người Rục được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, một HTX Nông nghiệp mang tên Hợp Hoà được ra đời. Mặc dù định cư ở một thung lũng rộng lớn, đất đai phì nhiêu nhưng “săn bắt hái lượm” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Rục nên HTX nông nghiệp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, hoạt động như một dạng chính quyền cấp cơ sở, quản lí địa giới hành chính và nhân khẩu người Rục.

Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, một lần nữa người Rục bị lãng quên. Đói rét, bệnh tật bủa vây và họ tin rằng hang đá mới là nơi an toàn, che chở cho tộc người của mình. Không ít lần người Rục quay trở lại hang đá sinh sống và lại được chính quyền vận động quay trở về bản mới. Khoảng năm 1986 - 1987, cộng đồng người Rục ở vùng Cu Nhái xuất hiện dịch bệnh.

Sau này các nhà chuyên môn xác minh đó là bệnh sởi. Không ai biết để cấp cứu, thấy nóng, sốt, bà con dội nước, ngâm mình trong khe suối, chỉ sau vài ngày, hàng chục người chết. Có gia đình không còn người nào sống sót. Người Rục lại chạy vào hang đá lánh nạn. Nhiều đoàn công tác đã lên bản Rục, nhiều tổ chức nhân đạo từ thiện gửi lương thực, thực phẩm, áo quần, chăn màn cho người Rục. Và người Rục lại được quy tụ về hai bản, Ón và Mò o - Ồ ồ.

Chuyện chưa kể về tộc người 'bí ẩn nhất thế giới': Gian nan bảo tồn 'người em út' ảnh 1

Lèn đá ngăn cách người Rục với thế giới bên ngoài đươc khai thông năm 2001

Về nơi ở mới, nhưng thói quen du canh, du cư, sống hoang dã thỉnh thoảng vẫn quay về. Năm 2000, 11 hộ với 44 người lại bỏ bản vào vùng đất Pà Roòng và Lú Làn, sinh sống trong những túp lều lá dựng tạm, hoặc các hang đá bên khe suối, săn bắt hái lượm để sinh sống qua ngày. Lại một cuộc phối hợp vận động từ tỉnh đến huyện, về tận xã, từ Ban Dân tộc - Miền núi đến Đồn Biên phòng. Làm sao để người Rục “an cư lạc nghiệp” là bài toán khiến lãnh đạo các cấp chính quyền và các nhà khoa học đau đầu.

Và tháng 10/2001, Dự án mang tên: Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Rục xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, với tổng số vốn 32 tỷ đồng do trung ương và tỉnh Quảng Bình phối hợp, ra đời. Hai bản Ón và Mò o - Ồ ồ được giữ nguyên, liên kết với bản Yên Hợp của người Sách thành thế chân kiềng, tương trợ lẫn nhau. Đấy được xem là một quyết sách chính xác, hợp lý và khoa học nhằm bảo tồn và phát triển tộc người Rục.

Chuyện của những người mở đường vào Rục

Tôi biết đến người Rục từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nhưng mãi đến năm 2001, lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất người Rục định cư, trong chuyến tháp tùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra tiến độ làm đường vào Rục. Trời hôm ấy mưa to, con đường mới khai mở nối từ đường Hồ Chí Minh vào các bản người Rục nhiều đoạn bị ngập nước, cả đoàn công tác phải lội bộ, có nơi ngập đến ngang ngực. Phải mất gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến địa điểm mà nhà thầu đang thi công.

Địa điểm này là một khối núi đá vôi cao vút, đơn vị thi công đang cho nổ mìn phá đá để khai thông con đường. Đơn vị thi công là một nhà thầu ở miền Bắc, báo cáo với ông Đinh Hữu Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình lúc đó rằng: Đây là địa điểm khó khăn nhất trên toàn bộ tuyến đường dài 11km. Phá được núi đá này, xem như hoàn thành 80% con đường.

Những người làm đường ở đây kể: Làm đường vào Rục khó nhất là nguồn cung cấp thực phẩm. Gạo không lo, nhưng thực phẩm là nỗi lo thường trực, vì không cẩn thận là bị thú rừng cướp mất. Số là ở vùng núi này có rất nhiều chồn, gà vịt anh em mua về nhốt để ăn dần, nhưng đêm đến chúng mò vào bắt sạch, nhiều lúc mọi người lại phải ăn cơm với nước mắm chờ đến ngày phiên chợ.

Một công nhân chỉ tay lên phía đỉnh núi, nơi có người đàn ông trung niên và một bé trai đang ngồi thu lu nhìn về phía chúng tôi. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người Rục, nhỏ thó, đen nhẻm, trên người chỉ độc nhất chiếc quần đùi. Người công nhân này kể: Từ khi đơn vị nổ mìn phá đá, đưa máy móc cơ giới vào thi công đoạn đèo này là xuất hiện hai cha con người Rục, đều đặn ngày nào cũng vậy, ra đây ngồi xem máy xúc làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

“Ròng rã gần 1 tháng nay hai cha con người Rục này không sót ngày nào, họ đắm đuối với chiếc máy xúc, xem mãi không chán. Chiếc gàu máy xúc di chuyển tới đâu là hai cha con họ lại ngoái đầu theo đó. Một ngày, hai cha con người Rục ăn đúng 1 bữa, khi thì sắn, khi thì ngô, chưa lúc nào thấy cơm… Nhiều lúc anh em thấy thương, đến bữa mời họ ăn cơm nhưng họ từ chối. Không giao lưu với ai, không nói nửa lời, cứ thế hai cha con người Rục này đắm đuối theo chiếc máy xúc” - người công nhân kể.

Một câu chuyện khác của những người làm đường khá thú vị, bỗng dưng họ được một người đàn ông ở ngoài trung tâm xã tặng hẳn một con bò mộng để làm thịt. Nguyên do, người đàn ông này chuyên mua bán trao đổi hàng hoá với người Rục hàng chục năm qua. Ông này thường mua cồn công nghiệp gùi vào Rục, khi gần đến bản, ông ta lấy nước suối pha vào cồn làm thành rượu rồi đổi những sản vật của người Rục mang về xuôi bán kiếm lời.

Trước đó, địa điểm khối núi đá vôi này có duy nhất khe núi để chui qua. Vào Rục nhiều, thấy thung lũng rộng lớn, cỏ mọc um tùm, ông này bèn mua hai con bò nhỏ, một đực, một cái gùi vào, chui qua khe núi ấy, thả bò xuống thung lũng. Do khe quá hẹp, bò trưởng thành không chui qua được để mang về bán. Sau hơn chục năm, cặp bò này sinh sôi thành một đàn bò. Khi đội làm đường nổ mìn phá đá, con đường được khai thông, người đàn ông này đã vào lùa đàn bò về bán và trả ơn những người làm đường nguyên một con bò để tri ân.

(Còn nữa)

Việc cứu sống người Rục, không để cho tộc người này bị diệt vong là vấn đề nhức nhối không chỉ của chính quyền Quảng Bình mà trở thành mối quan tâm của cả nước, của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Ủy ban Dân tộc chúc tết Chôl Chnăm Thmây

Ủy ban Dân tộc chúc tết Chôl Chnăm Thmây

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2024 của đồng bào Khmer, Ủy ban Dân tộc tổ chức các Đoàn công tác đi chúc Tết tại các tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… và một số địa phương); thăm, chúc mừng đồng bào Khmer và tặng quà người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là dân tộc Khmer.
Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.