Trong mỗi nếp nhà của đồng bào Tây Nguyên, chiếc chóe luôn hiện hữu. Theo các già làng, người Tây Nguyên không tự sản xuất chóe. Họ sở hữu chóe trong quá trình giao thương với người Chăm. Thậm chí, có người phải đổi nhiều trâu, bò, thậm chí cả voi để lấy những chiếc chóe quý hiếm. |
Chóe cổ, quý, giá trị được phân biệt bởi màu men, hoa văn, hình thù. Đặc biệt, đồng bào Tây Nguyên rất quý chóe “Mẹ bồng con”- loại chóe có kiểu dáng khá đặc biệt, trên vai thường được gắn 1 đến 2 hoặc 3 chóe con. |
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chóe không chỉ là đồ đựng đắc dụng gắn liền với tập quán uống rượu cần, mà còn là tài sản tích lũy của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực, là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh. |
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chóe “thiêng” là những chiếc chóe có vị thần đang trú ngụ. Vậy nên, khi mang chóe về đến nhà, họ thường chưa đưa chóe vào nhà ngay. Gia chủ phải làm lễ cúng rước thần linh nhập “hồn” cho chóe mới. |
Những chiếc chóe quý được đổi bằng nhiều trâu, bò thậm chí bằng voi. Do đó, nhà nào giàu có, uy quyền nhất buôn làng mới sở hữu được chóe quý. Chiếc chóe trở thành món đồ quý, được bà con giữ gìn, làm của để dành, làm của hồi môn, là vật nộp phạt khi vi phạm luật tục của cộng đồng và là tài sản chia cho người khuất núi. |
Thu hoạch xong mùa màng, bà con thường mang chóe ra ủ rượu cần. Theo kinh nghiệm của những người chuyên ủ rượu, chóe càng cổ rượu càng ngon vì ruột những chiếc chóe cổ không tráng men dễ dàng để cho men rượu bám và lên men. |
Ngày nay, chóe không còn là vật trao đổi hàng hóa như trước, nhưng nó vẫn chiếm vị trí quan trọng trong từng gia đình và cộng đồng của các tộc người Tây Nguyên. Bất cứ lễ hội nào của họ vẫn không thể thiếu vắng những chóe rượu cần. |