Đền thờ vua Quang Trung tọa lạc trên núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Núi có 4 chi gồm: long thủ (đầu rồng), phượng dực (cánh phượng), quy bôi (cồn rùa) và kỳ lân, hội tụ đủ tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng. |
Tương truyền, sau chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung chọn đất đóng đô cho vương triều mới ở vùng đất giữa núi Dũng Quyết và Kỳ Lân. Khi Phượng Hoàng Trung Đô vừa xây xong, kế hoạch dời đô từ Phú Xuân (Huế) ra Vinh (Nghệ An) còn dang dở thì vua Quang Trung đột ngột băng hà. Vua Quang Toản sau đó nối ngôi cha, nhưng không giữ được ngai vàng. Khi Nguyễn Ánh lập ra nhà Nguyễn, đóng đô ở Huế, Phượng Hoàng Trung Đô bị lãng quên. Qua biến thiên của thời gian, công trình chỉ còn lại một số dấu tích. |
Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung, năm 2005, tỉnh Nghệ An đã xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đặt trên núi Dũng Quyết. Công trình khánh thành năm 2008, sau hơn 1.000 ngày thi công. |
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung là một công trình văn hóa tâm linh gắn với du lịch nổi tiếng của Nghệ An. |
Điểm nhấn kiến trúc ngôi đền là nhà tiền đường, gồm 3 gian thượng điện, trung điện, hạ điện, thiết kế theo hình chữ Tam cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. |
Nhà trưng bày có hàng trăm hiện vật thời Tây Sơn. |
Các hiện vật quý hiếm thời Tây Sơn |
Thượng điện là nơi thờ vua Quang Trung và thân phụ Hồ Phi Phúc và thân mẫu Nguyễn Thị Đồng. |
Hằng năm, thượng điện được mở vào hai dịp lễ lớn là ngày giỗ vua Quang Trung 29/7 âm lịch và ngày 5/1 - dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. |
Thăm đền, du khách được hưởng thụ những giá trị văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí tĩnh mịch linh thiêng của đền thờ Hoàng đế Quang Trung. |
Người dân và du khách đến vãn cảnh, thắp hương tưởng niệm và thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ tri ân đối với Hoàng đế Quang Trung. |
Theo báo Nghệ An, nhà hạ điện, trung điện, thượng điện được xem là trung tâm của toàn bộ ngôi đền, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Nhà hạ điện có diện tích lớn nhất 180m2 gồm 3 gian, kết cấu 2 tầng mái. Khung thờ ở đây được bố trí theo tín ngưỡng thờ phụng truyền thống của người Việt Nam là tiền phật hậu thánh, bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni được bố trí trang nghiêm ở gian giữa nhà tiền đường, là nơi để các phật tử tỏ lòng thành kính với đức Phật. Phía bên tả là bàn thờ Tứ phủ công đồng và Tam tòa thánh mẫu. Phía bên hữu là gian thờ Trấn thủ Nghệ An thời Tây Sơn Nguyễn Thận.
Nhà Trung điện có diện tích nhỏ hơn, 160m2 với 3 gian thờ, gian giữa thờ các quan lại tướng sỹ thời Tây Sơn nói chung, hai bên tả hữu thờ các văn thần và võ tướng tiêu biểu của Triều Tây Sơn. Bàn thờ quan văn gồm bài vị của 3 vị: Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm, Viện trưởng Sùng chính viện La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và Bắc hành sứ bộ Phạm Công Trị. Bàn thờ tướng võ gồm bài vị của 3 vị: Thủy sư đô đốc Ngô Văn Sở, Thống suất Đại nguyên soái Trần Quang Diệu và Đô đốc trung liệt nữ Bùi Thị Xuân.
Thượng điện là nơi đặt bàn thờ của Hoàng đế Quang Trung cùng vương phụ Hồ Phi Phúc và Vương mẫu Nguyễn Thị Đồng. Tượng Hoàng đế Quang Trung dáng ngồi, đúc bằng đồng cao 1,5m được đặt uy nghi chính giữa hậu cung.
Hằng năm đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch – ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.