Phải lòng cô gái xứ cà phê
Từ bungalow trên đồi cao của Hợp tác xã (HTX) Chappi Moutains Coffee ở xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), chúng tôi thỏa thích ngắm những vườn cà phê xanh tốt ẩn hiện trong làn khói sương mờ ảo. “Những vùng có khí hậu lạnh, cao trên 1.400m, sương mù bao phủ và có loại đất màu nâu đỏ màu mỡ thế này mới thật sự thích hợp để trồng Arabica, loại cà phê có hương thơm quyến rũ”, Marc hào hứng nói.
Anh cho biết đã tốt nghiệp thạc sĩ, làm việc trong ngành ngân hàng ở Zurich (Thụy Sĩ). Cách đây hơn 3 năm, trong lúc tìm mua những sản phẩm ưa thích trên các kênh bán hàng online, anh rất ấn tượng với Lam Ha Bio Coffee nên kết nối với Thảo, chủ nhân của thương hiệu cà phê này. Khi biết Lâm Đồng có thể trồng loại cà phê đúng gu của mình, Marc liền bay sang tìm hiểu cho thỏa chí tò mò.
Marc (ngoài cùng bên phải) tiếp thị cà phê Chappi |
Thế rồi vì mê đắm Arabica và cả cô gái trồng cà phê, anh bỏ luôn cái nghề có thu nhập cao để cùng vợ thành lập HTX, quy tụ 50 xã viên người K’Ho, dày công xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê hữu cơ mang tên Chappi.
Trả lời câu hỏi sao lại là Chappi, Marc vui vẻ lý giải: Vợ mình rất thích ca khúc “Giấc mơ Chappi” của nhạc sĩ Trần Tiến, còn mình lúc đầu chưa rành tiếng Việt, không hiểu hết ca từ nhưng rất thích giai điệu của bài hát đó.
“Dòng cà phê mới mẻ này mang lại cảm giác thăng hoa tuyệt vời như cách mà nhạc sĩ Trần Tiến kể câu chuyện về Chappi, cây đàn tre của đồng bào Ra Glay. Một câu chuyện thực tế về đời sống còn khó khăn của người dân lúc đó nhưng cũng vô cùng lãng mạn vì vượt thoát khỏi chuyện thiếu thốn vật chất để vươn tới sự tự do, phóng khoáng… Do đó, chúng em đặt tên Chappi cho thương hiệu của mình”, Thạch Thảo tiếp lời.
Marc trong vườn cà phê Arabica |
Thương hiệu cà phê đẳng cấp quốc tế
Gắn bó với mảnh đất này, Marc mới vỡ lẽ Việt Nam xuất khẩu cà phê nhiều thứ hai thế giới nhưng chủ yếu là cà phê nguyên liệu với giá vào loại thấp nhất. Anh quyết chí cùng vợ nghiên cứu để tạo ra dòng sản phẩm Arabica hoàn toàn mới mang thương hiệu Chappi; một mặt để nâng cao thu nhập; mặt khác, góp phần làm cho Việt Nam được thế giới biết đến như xứ sở của các loại cà phê thành phẩm nổi tiếng, sang chảnh chứ không chỉ xuất khẩu cà phê nguyên liệu.
Đôi vợ chồng dày công xây dựng quy trình kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất tại các trang trại đến từng cốc cà phê bốc khói. Loại cà phê Arabica này có hương vị thơm dịu lúc đầu thưởng thức và đọng lại dư vị ngọt hậu. Đầu tiên, HTX phối hợp với 2 tổ chức phi chính phủ của Hà Lan hướng dẫn xã viên cách ủ phân hữu cơ, tưới tiêu, canh tác cà phê bền vững…
“Công đoạn hái cà phê rất quan trọng vì chỉ những quả chín mọng mới cho chất lượng tuyệt hảo. Mặt khác có thiết bị tốt mà vận hành không đúng cách hoặc chất liệu bao bì không đảm bảo cũng làm giảm phẩm cấp cà phê…”, Marc chia sẻ. Và để khuyến khích xã viên mở rộng diện tích trồng Arabica nhằm tăng sản lượng, HTX bao tiêu toàn bộ cà phê nguyên liệu với giá cao hơn giá thị trường.
Thạch Thảo có tay nghề chế biến cà phê điêu luyện, còn Marc am hiểu thị hiếu uống cà phê của người châu Âu. Anh nhập thêm một số thiết bị rồi cùng vợ thu thập các “bí kíp” chọn cây giống, chăm sóc, sơ chế, lên men, rang xay, pha chế…; miệt mài thử nghiệm để tạo ra dòng cà phê mới cho thị trường tiềm năng này. Dựa vào độ rang xay, kết hợp với dược liệu ở Lâm Đồng, đến nay HTX Chappi có 7 loại sản phẩm cà phê đặc sản như cà phê ca cao, cà phê socola, cà phê linh chi, cà phê đẳng sâm…
“Vùng núi Lạc Dương có những nguyên liệu, dược liệu quý ít nơi nào có được như linh chi, đẳng sâm… Các xã viên người K’Ho lặn lội trong rừng thu hái về để vợ chồng Marc pha chế cùng với cà phê Arabica cho ra các sản phẩm mới lạ như thế”, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương nhận định. Không chỉ bán ở thị trường Việt Nam, Marc đã kết nối để đưa các dòng sản phẩm cà phê mới mẻ này đến với người tiêu dùng Thụy Sĩ và một số nước châu Âu khác.
Dựa vào độ rang xay, kết hợp với dược liệu ở Lâm Đồng, đến nay HTX Chappi có 7 loại sản phẩm cà phê đặc sản như cà phê ca cao, cà phê socola, cà phê linh chi, cà phê đẳng sâm…
Ngoài ra, Marc còn mời Alex, một chuyên gia người Thụy Sĩ tập huấn kỹ năng làm du lịch cho người K’Ho. Đầu tiên là tua tham quan trang trại cà phê của HTX ven Quốc lộ 27C, tuyến đường thơ mộng nối Đà Lạt - Nha Trang.
Nhiều du khách Nga, Hàn Quốc… và một số nước ở châu Âu đã ghé thăm, trải nghiệm các công đoạn sản xuất, chế biến và pha chế cà phê, thưởng thức ly cà phê thơm lừng do chủ trang trại rang xay, pha chế tại chỗ. Du khách ngạc nhiên thích thú khi được mang ủng, đeo gùi, cùng với các sơn nữ K’Ho bón phân, chăm sóc khu vườn, thu hái những chùm quả chín mọng hoặc vận hành dây chuyền máy móc rang xay cà phê…
Trang trại cà phê của Marc còn có 10 bungalow trên đồi cao cho du khách lưu trú để đốt lửa trại, uống rượu cần giữa rừng, hòa vào vòng xoang uyển chuyển của các sơn nữ trong tiếng khèn, tiếng chiêng dìu dặt. Các tua trekking băng rừng khám phá sự hùng vĩ, hoang dã của Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà; ghé các buôn làng để tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc của người K’Ho... cũng rất hút khách.
Chappi Mountains Coffee đã đoạt Cúp và Chứng nhận sản phẩm Thương hiệu chất lượng cao ASEAN năm 2018 và là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao trong năm 2020.Trước đó, vào năm 2017, Lam Ha Bio Coffee của Thạch Thảo đạt Thương hiệu Vàng châu Á - Thái Bình Dương.