Trong căn bếp nhỏ ở buôn Păn Lăm (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), bà HNer Rmah (SN 1976) lúi húi nhóm lửa để nấu món canh bột lá yao. Bà HNer không biết món canh bột lá yao có từ khi nào nhưng vào ngày lễ, Tết không thể thiếu món ăn này.
Bà HNer Rmah nấu món canh bột lá yao |
Nói đoạn, bà HNer khệ nệ bê ra các nguyên liệu cho món canh truyền thống của người Êđê gồm lá yao, cây môn thục, cà đắng phơi khô, thịt heo, gạo, muối, ớt. “Nguyên liệu chính của món canh này là lá yao, cây chỉ có ở trên rẫy, trong rừng nên tôi phải đi hái từ sáng sớm. Khi hái, cần chọn lá có màu xanh đậm để nấu cho ra màu xanh đẹp mắt. Ngoài nấu cùng thịt heo còn có thể nấu với vếch bò (phần đầu ruột non của con bò) rất ngon”, bà HNer cho hay.
“Mỗi khi có thời gian rảnh, tôi vào bếp thực hiện các món ăn truyền thống, sau đó chụp hình và đăng lên mạng xã hội Facebook để giới thiệu bạn bè biết thêm về văn hóa ẩm thực của người Êđê. Tôi mong muốn ngoài cồng chiêng Tây Nguyên, chính quyền địa phương sẽ tổ chức nhiều lớp dạy chế biến món ăn truyền thống. Qua đó, giúp lớp trẻ kế cận gìn giữ ẩm thực truyền thống người Êđê, phục vụ khách du lịch”.
HLy Da cho biết
Tiếp đến, bà HNer cho chảo lên bếp xào thịt heo dậy mùi thơm rồi bỏ lõi chuối, môn thục, cà đắng vào xào chung. Sau đó, bà chắt nước từ hỗn hợp bột gạo với lá yao được giã nát để cho vào nồi canh. “Để có nồi canh bột lá yao thơm ngon, phải khuấy đều tay và canh lửa không quá to tránh bị đặc và cháy. Món canh bột lá yao ăn kèm cơm nóng cùng các món ăn khác của người Ê Đê như: cà đắng giã muối ớt, lá mì (sắn) xào, đu đủ giã kiến vàng…sẽ ngon hơn”, bà HNer chia sẻ.
Cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ người Êđê không biết nấu món canh truyền thống này. Bà HNer luôn dành thời gian dạy con gái học nấu những món ăn dân dã từ bao đời nay của dân tộc mình. “Khi ăn món canh bột lá yao sẽ cảm nhận được chút vị cay của ớt, vị sệt sệt của nước canh, vị beo béo của thịt nấu nhừ và cả mùi thơm dịu của lá yao. Thời tiết se lạnh này, nhấm nháp từng thìa canh bột lá yao ngọt thơm, cảm nhận được hương rừng Tây Nguyên”, chị HLy Da Rcăm (SN 1996, con gái bà HNer) chia sẻ.