Ông lão hai mươi năm tạo hình cho vỏ trứng |
Xưởng của nghệ nhân vỏ trứng Nguyễn Thành Tâm là một căn hộ nhỏ nằm trên tầng 4 của khu chung cư cũ ở phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM. Trong ngôi nhà ấy có hơn ngàn tác phẩm nghệ thuật được làm bằng vỏ trứng với nhiều hình thù ngộ nghĩnh đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng... |
Đầu những năm 90, ông Tâm dừng việc dạy học sau 15 năm gắn bó và ra làm việc tại khách sạn The John Brewer Reef Floating. Đó là một “khách sạn nổi” biểu tượng bậc nhất một thời ở đất Sài thành. |
“Sau 15 năm là thầy giáo và 6 năm làm ở nhà hàng nổi trên bến Bạch Đằng, tôi quay lại công việc dạy thêm ngoại ngữ tại nhà. Lúc đầu tôi dùng gốm sứ, bìa giấy, nhựa… để làm đồ dùng dạy học khiến tiết học thêm sinh động, thu hút thêm học trò và cũng để giáo dục bảo vệ môi trường. Sau này thấy vỏ trứng là nguyên liệu dễ tìm nên tôi theo đuổi luôn lĩnh vực này”, nghệ nhân chia sẻ. |
Nhắc về sản phẩm đầu tiên, ông Tâm nhớ lại: “Lúc đó tôi dạy một em học lớp 8 bài giảng về ông già Noel. Không có mô hình để thị phạm, ngồi quan sát con lật đật, với cái bầu tròn tròn của phần đầu và phần bụng, tôi liên tưởng đến ngay những chiếc vỏ trứng. Đó là sản phẩm đầu tay của tôi”. |
Sau đó, ông Tâm bắt tay vào sáng tạo thêm những nhân vật khác gần gũi với cuộc sống đời thường hơn như ông Địa, ông Thần Tài, các con vật như mèo, lợn, trâu, ngựa… và tất cả đều mang lại hiệu quả giảng dạy rất cao. Sản phẩm thầy làm ra, ngày càng đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn. |
“Nếu đã đam mê thì phải theo đuổi đến cùng. Sản phẩm tôi làm ra là do sở thích và không mang tính thương mại, hiện nếu ai trân trọng tác phẩm của tôi thì tôi bán thôi. Mà đôi khi do cùng đam mê, cùng sở thích thì khỏi tiền bạc gì hết, tặng không luôn”, ông Tâm vui vẻ nói. |
Cũng theo nghệ nhân, trước khi làm một vật gì cũng cần định hình xem tác phẩm đó có hình dạng như thế nào, tỉ lệ, kích cỡ bao nhiêu để chọn loại trứng to, nhỏ, tròn, dài và có màu sắc sao cho phù hợp. Các phần rập của ông Tâm được vẽ đơn giản trên giấy tập như thế này. |
Vỏ trứng sau khi được lấy sạch phần ruột bên trong, ông Tâm sẽ phơi vài nắng để tạo độ bền cho vỏ trứng. Để tăng độ bền, nghệ nhân sẽ không rửa mà chừa phần lòng trắng còn dính bên trong để tan độ kết dính cho vỏ sau khi phơi khô. Riêng trứng chim cút, do màu sắc không được như ý nên ông Tâm đã tìm ra cách tẩy trắng bằng chất axit tự nhiên có trong chanh hoặc quất, nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. |
Ông Tâm khuyên, nếu như ai muốn tìm hiểu và tập làm thì nên chọn vỏ trứng cút. Vỏ trứng cút khá dẻo và khó vỡ vụn so với các trứng gà, trứng vịt… |
Bộ đôi linh vật sói Zabivaka của kỳ World Cup 2018 tại Nga chính là hai mô hình khiến ông phải suy nghĩ nhiều nhất về chất liệu cũng như cách thể hiện. Đặc biệt hơn, ông bỏ hàng tuần để đi tìm cho được trứng con baba để làm quả bóng vì loại trứng này khá hoàn thiện về độ tròn. Từ quả bóng làm từ trứng baba, ông Tâm phác thảo nên tỉ lệ của linh vật sói Zabivaka. |
Ông Tâm hiện đang gấp rút hoàn thiện bộ sản phẩm dành cho mùa giáng sinh sắp đến. |
“Nếu tập trung, một sản phẩm ông già Noel tôi có thể làm trong vòng 3 giờ đồng hồ. Đây là công đoạn tô màu da cho gương mặt của ông già”, ông Tâm kể. |
Râu được tạo hình từ bông gòn và dán bằng keo hồ. |
Viền áo của ông già Noel sử dụng dây thun của những chiếc khẩu trang và được dính bằng keo dán sắt. |
Cặp kính nhỏ bằng đường kính một chiếc đũa được uốn từ một đoạn dây đồng. |
“Khó nhất là công đoạn điểm nhãn, một sản phẩm làm tốt nhưng vẽ mắt không đạt thì cũng coi như bị lỗi, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn mà”, ông Tâm nêu quan điểm. |
“Đánh dấu đại dịch COVID-19, năm nay tôi sẽ làm thêm cho ông già Noel kính chống giọt bắn để ổng đi phát quà”, người nghệ nhân nói vui. |
Bộ sản phẩm tuyên truyền phòng chống dịch được làm từ vỏ trứng. |
Năm 2010, ông được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là kỷ lục gia tạo hình bằng vỏ trứng nhiều nhất Việt Nam. Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng lão nghệ nhân vẫn đam mê gắn bó với nghề, mong muốn mở một lớp học để truyền dạy cho các em nhỏ cách làm những tác phẩm nghệ thuật bằng vỏ trứng, để khơi dậy trong lòng các em một niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. |