Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Xứ sở của người K’Ho, nơi khai sinh ra Đà Lạt sẽ tổ chức đua ngựa không yên, liên hoan “Tiếng gọi đại ngàn” cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác trong dịp lễ 30/4.
Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4 ảnh 1

Giải đua ngựa không yên huyện Lạc Dương lần thứ nhất năm 2022.

Ngày 14/4, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết lễ 30/4, huyện sẽ tổ chức giải đua ngựa không yên thường niên lần thứ 2, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tiếng gọi đại ngàn…

130 năm trước, nhà thám hiểm - bác sĩ Yersin cưỡi ngựa từ đồng bằng lên núi Lang Biang, công bố khám phá ra Đà Lạt, sau đó được chia tách thành huyện Lạc Dương. Còn ngày 29/4 sắp tới, các chàng trai K’Ho, tộc người bản địa lâu đời nhất ở Lạc Dương sẽ khiến du khách mãn nhãn với cuộc đua ngựa không yên kỳ thú.

Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4 ảnh 2

Nhiều người cổ vũ giải đua ngựa không yên ở Lạc Dương.

Từ thuở xưa, người K’Ho đã nổi tiếng cưỡi ngựa giỏi nhất Tây Nguyên. Các chàng trai phong trần, phóng khoáng không chỉ huấn luyện ngựa giỏi mà còn là những kỵ mã cừ khôi.

Tham gia giải đấu là loài ngựa bản địa, leo núi giỏi, nhưng trái tính trái nết vì có nguồn gốc hoang dã, còn các kỵ sĩ không được dùng yên ngựa để cố định thế ngồi, cũng không có bàn đạp chân, chỉ điều khiển ngựa bằng đôi chân trần và dây cương làm từ thừng bện.

“Huyện tổ chức giải đua này để vừa phục vụ cuộc sống người dân, lưu giữ văn hóa truyền thống, vừa đa dạng sản phẩm văn hóa phục vụ du khách. Có nhiều giải thưởng được trao tại cuộc đua, trong đó giải nhất 10 triệu đồng”, Chủ tịch huyện chia sẻ.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tiếng gọi đại ngàn cũng diễn ra vào đêm 29/4 tại Quần thể Khu du lịch PI NI với sự tham gia của 6 đội văn hóa nghệ thuật cồng chiêng của Lạc Dương và các huyện, thành phố lân cận.

Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4 ảnh 3

Biểu diễn cồng chiêng.

Tiếng gọi đại ngàn sẽ tái diễn cảnh rước thần Lửa, thần Chiêng, trình diễn các tiết mục cồng chiêng, múa xoang, tổ chức chương trình ẩm thực đặc sản Tây Nguyên.

Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4 ảnh 4

Tưng bừng đêm lễ hội.

Một điểm nhấn khác là ngôi làng đẹp như cổ tích, mang tên Cù Lần, được bình chọn là một trong 8 Ngôi làng siêu đáng yêu của địa cầu.

Làng có cảnh quan đẹp, phục dựng nhiều nhà sàn truyền thống, trưng bày cổ vật Tây Nguyên, tổ chức các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm như thuyền phao vượt thác, xe zeep vượt suối băng rừng.

Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4 ảnh 5

Cơm lam thịt nướng đặc sản Tây Nguyên.

Năm nay, làng còn phối hợp với vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà hình thành tour du lịch độc nhất vô nhị trên thế giới là tham quan quần thể thông hai lá dẹt, loài cây đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố ở vùng đất này, được ví như sứ giả của thời tiền sử với những “cụ” cây hơn 1.100 tuổi.

Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4 ảnh 6

Leo núi tham quan quần thể thông hai lá dẹt.

Vào thế kỷ trước, khi hay tin phát hiện thông hai lá dẹt ở Lâm Đồng, viện sĩ A.Tastagsceh (Viện hàn lâm chuyên về cây lá kim của Liên Xô (cũ) vô cùng xúc động, thốt lên: “Tôi chỉ muốn sang ngay Việt Nam, sờ tay lên cây này rồi chết cũng mãn nguyện”.

Đua ngựa không yên và lễ rước thần linh của người K’Ho dịp lễ 30/4 ảnh 7

Chơi bóng gỗ Nhật Bản ở Lạc Dương.

Theo ông Đỗ Đại Dương, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Lạc Dương, ngoài giải đua ngựa không yên, tại Ma rừng Lữ quán 2 còn khai trương sân bóng gỗ (môn thể thao truyền thống của Nhật Bản), sân khấu nhạc nước...

MỚI - NÓNG