Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ là chủ đề của Tuần lễ Vàng du lịch năm nay, diễn ra đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4, với chuỗi lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống hấp dẫn.
Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn ảnh 1

Thực hiện nghi lễ trong đám cưới của người K'Ho.

Đêm 26/4, Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Lâm Hà cùng các nghệ nhân phục dựng Lễ cưới truyền thống của người K'Ho tại nhà sàn truyền thống của gia đình bà K’Phen.

Bà Chế Phương Nam, Trưởng phòng VH-TT Lâm Hà cho biết việc tái hiện đám cưới của người K’Ho Sre là để bảo tồn văn hóa của đồng bào và làm du lịch cộng đồng.

Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn ảnh 2

Không gian lễ cưới.

Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ nên đám cưới có nhiều khác biệt so với các dân tộc khác. Nhà gái cưới chồng cho con. Sau lễ cưới chàng trai sẽ ở rể tại nhà gái.

Lễ cưới hỏi của người K’Ho có nhiều nghi thức lạ khiến du khách thích thú, đặc biệt là việc trùm tấm chăn thổ cẩm lên người cô dâu chú rể và cho họ cụng đầu nhau 8 lần.

Người mai mối dặn dò: “Sinh một con, trưởng thành một con, sinh hai con trưởng thành hai con, đừng để hư hỏng. Mát mẻ như nước, đẹp như mặt trời, sống lâu như cây me rừng, con cháu sum họp đầy đủ, biết ăn nói như cha mẹ, cậu dì…”.

Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn ảnh 3

Trùm tấm chăn lên người cô dâu chú rể và nghi lễ cụng đầu.

Đôi trẻ cùng nhau đặt tay lên chóe cổ mong thần linh chứng giám, và chiếc chóe này sau đó được tặng cho họ làm của hồi môn. Sau đó, hai họ cùng khách mời trò chuyện, ăn tiệc, uống rượu cần, nhảy múa, ca hát theo tiếng cồng chiêng huyễn hoặc.

Tại lễ cưới, ông Trương Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chia sẻ ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho một số nét văn hóa truyền thống của các cộng đồng người thiểu số bị mai một, nhất là lễ hội mừng lúa mới, mang lúa về kho, lễ cưới theo nghi thức truyền thống... Đó là điều đáng để chúng ta suy ngẫm, trăn trở và phải phục dựng một số lễ hội để gìn giữ văn hóa truyền thống.

Cũng vào đêm 26/4, tại Làng văn hóa Chu ru (xã Pró, huyện Đơn Dương) có hội thi các món ăn dân gian Tây Nguyên và đêm lửa trại với những màn trình diễn văn hóa cồng chiêng, các điệu múa truyền thống cuốn hút của người K’Ho, Churu…

Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn ảnh 4

Không khí lễ hội tưng bừng ở huyện Đơn Dương.

Từ 27-28/4, tại huyện Đạ Tẻh diễn ra hai sự kiện thể thao được phát triển từ trò chơi dân gian truyền thống như kéo co và đẩy gậy, hứa hẹn những màn tranh tài gay cấn, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí, chiến thuật, kỹ thuật, kết hợp với sự khéo léo của các đội.

Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn ảnh 5

Chế biến món cơm lam, thịt nướng.

Giải đua ngựa không yên huyện Lạc Dương năm 2023 được tổ chức sáng 29/4 nhằm giới thiệu, quảng bá lễ hội truyền thống của người K’Ho, tiến tới xây dựng môn thể thao đua ngựa không yên trở thành di sản văn hoá phi vật thể.

Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn ảnh 6

Giải đua ngựa không yên thường niên.

Đêm 29/4 sẽ có liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên Tiếng gọi Đại ngàn tại Pi Ni Đà Lạt, quy tụ đoàn nghệ nhân cồng chiêng của 6 huyện, thành phố như: Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương và Lâm Hà. Chương trình biểu diễn bao gồm tấu cồng chiêng, múa xoang và giao lưu ẩm thực.

Lễ cưới khác biệt của người K'Ho tại nhà sàn ảnh 7

Du khách thích thú với nhạc cụ cồng chiêng.

Từ ngày 29/4 đến 3/5, sẽ có Không gian trưng bày giới thiệu văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tại Quảng trường Lâm Viên, kết hợp với biểu diễn nghệ thuật dân gian và trình diễn trang phục truyền thống.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.