Xem tài nghệ người nông dân

Tích Hoàn kiếm của rối nước Nhân Hòa
Tích Hoàn kiếm của rối nước Nhân Hòa
TP - Khách đang du xuân trong tiếng đàn hát réo rắt thì bỗng nghe tiến hét lên, chạy vội ra xem thì con cáo đã tóm mất mấy con vịt rồi, mà tóm ngay trên mặt nước, rồi thoăn thoắt leo lên cây, miệng vẫn ngậm chặt vịt. Mọi người xúm quanh cái ao vỗ tay hoan nghênh.
Tích Hoàn kiếm của rối nước Nhân Hòa
Tích Hoàn kiếm của rối nước Nhân Hòa.

Phường rối Nhân Hòa ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng (giáp Thái Bình) được chọn mở hàng cho năm rối nước Tân Mão ở Bảo tàng Dân tộc học. Họ sẽ còn trở lại vào tháng 6.

Rối nước Nhân Hòa có khá nhiều trò hay và độc để níu chân du khách suốt suất diễn chừng 20 phút. “Chẳng qua muốn cùng bảo tàng bảo vệ truyền thống chứ chúng tôi đi là lỗ, mất bao nhiêu khách ở nhà”, ông trùm phường Trần Văn Phước tiếc rẻ.

Trong khoảng hai tháng trước và sau Tết, phường rối đắt khách nhất. Họ diễn ngay tại làng, trung bình mỗi ngày 2-3 suất. Diễn xong tụt quần áo cao su là có thể về nhà ngay. Đi diễn ở bảo tàng, riêng thuê hai xe bus đã mất đứt nửa tiền cát-xê. Đấy là họ không ở khách sạn mà tá túc ngay trong khu nhà hiện vật của bảo tàng. Coi như không mất tiền ăn ở.

Ông Phước vẫn hy vọng sẽ được bảo tàng bù cho tiền thuê xe. “Chúng tôi quá thiệt. Bài hát của người ta vài chục triệu, còn chúng tôi cả một đoàn người vài trăm bạc. Người nông dân quá khổ”.

Một suất diễn của phường rối Nhân Hòa ở bảo tàng được trả hơn 400 nghìn đồng, chia ra cho 17 người. Trong khi ngay tại làng, họ được các công ty du lịch trả gần 1 triệu đồng/suất diễn. Tuy vậy trừ chi phí, mỗi người cũng chỉ còn độ 35.000 đồng.

Khách hàng của rối Nhân Hòa chủ yếu là các công ty du lịch ở Hà Nội. Khách nước ngoài thường thăm vịnh Hạ Long rồi ghé Hải Phòng chỉ để xem trò rối Nhân Hòa. “Những người làm du lịch nói: Chỉ có phường các bác là như chuyên nghiệp, không phường nào bằng. Họ đi nhiều biết hết”. ông Phước khoe.

“Một số trò như Hoàn kiếm, Câu ếch, Thạch Sanh... là chúng tôi nghĩ ra”. Trò Hoàn kiếm diễn tích Lê Lợi trả gươm, đoạn rùa vàng nhận kiếm từ tay vua, khán giả rất khoái, vỗ tay vang dội. Trong Phù thủy sợ ma, ông thầy phù thủy làm phép Mặt ta ra mặt quỷ cũng khiến người xem thích thú. Phù thủy dùng cái quạt che mặt trong tích tắc đã biến ra mặt quỷ và ngược lại.

Ông trùm: “Phải say mê, đêm mất ngủ mới nghĩ ra các trò độc đáo”. Ông cho hay, còn nhiều trò hiện đại ông đang ấp ủ để cống hiến cho khán giả. Chẳng hạn trò Cá heo đi học, khán giả sẽ thấy cá he (tức cá heo) ngậm bút viết chữ lên bảng, nhảy qua vòng lửa...

Rối nước Nhân Hòa trước 1995, một năm chỉ diễn một lần vào ngày hội làng. Cho đến khi ông Phước nhận được cú điện thoại mời ký hợp đồng du lịch. Khi đó, vừa vào TPHCM chơi với cháu, ông vội trở ra Bắc, đi hai ngày hai đêm. Các nghệ nhân ở làng lần đầu tiên được nếm mùi làm kinh tế.

“Bấy giờ còn chưa mua nổi quần áo cao su”, ông Phước kể. “Trời rét như 28,29 Tết vừa rồi, mà anh em mặc mỗi quần đùi xuống diễn. Tiền công chỉ có 10 nghìn nhưng bắt buộc phải làm. Không có họ phạt 10 lần”.

Nghiệp rối nước cũng có những thời khắc vinh quang hiếm hoi. Như lần đi dự hội diễn ở Huế, năm 2005. “Được đi chơi cố đô 7 ngày không mất tiền”, ông Phước kể.

“Có cái thẻ đeo vào thăm không mất tiền chỗ nào. Người nông dân được thế là sướng nhất. Được một bữa cỗ yến ăn bên bờ sông Hương. Về mỗi anh em lại được gói hàng có chai rượu tiến vua. Tôi mới được hưởng mỗi lần đấy...”. Năm đó quả là hoàng kim đối với rối Nhân Hòa. Họ được Bộ Văn hóa cho 80 triệu đồng để làm bộ con rối mới, được cho máy phát điện - dù không dùng được vì công suất quá yếu.

Mục đích phấn đấu cả đời của ông Phước giờ là đi nước ngoài. “Tôi sểnh mất 3 nước: Pháp, Anh, Hàn Quốc. Người ta tranh mất. Chúng tôi diễn bên nước ngoài ưng rồi, nhưng những người thoát ly có quyền người ta tranh. Mình là nông dân, chẳng biết bấu víu vào đâu mà kêu. Chú là người thoát ly, tôi là người nông dân. Bao giờ chú cũng phải được cha mẹ yêu hơn là thằng con nuôi”.

Ông Phước hay dùng cụm từ “người nông dân”. Người ở Hải Phòng hay Hà Nội với ông cũng là “thoát ly” cả. Ông tâm sự tiếp: “Người nông dân được đến Hà Nội cũng là sướng, nhưng giờ Hà Nội cũng chán. Năm nay 65 tuổi muốn phấn đấu đi nước ngoài một chuyến để con cháu được mở mày mở mặt”.

Trong lúc chờ bước tới đỉnh vinh quang kia, phường rối tạm bằng lòng với những niềm vui nho nhỏ. Chẳng hạn có vị khách người Pháp sau lần thưởng thức múa rối Nhân Hòa đã quay lại dắt theo vợ và 4 người bạn nữa. “Chúng tôi tự hào đã là người ta thích mình,” ông trùm nói. “Người ta đi lần thứ hai tốn rất nhiều tiền chứ không phải đơn giản”.

Giờ đây, các nghệ nhân nửa ngày làm ruộng nửa ngày diễn rối. Gọi là có việc thường xuyên nhưng thu nhập không bằng đi làm thuê- ngày công gấp 3 lần múa rối. Vì vậy mà lớp trẻ trong làng chẳng mặn mà gì với truyền thống của ông cha, chưa kể phải bỏ ra độ một năm theo học mới thành nghề.

Ông Phước: “Giờ chúng tôi muốn thêm người cũng không được. Bọn trẻ không học. Cuộc sống giờ được đo bằng kinh tế. Cho nên Nhà nước nên quan tâm, dù bằng vật chất hay tinh thần. Cũng như trong gia đình, mình không quan tâm gìn giữ truyền thống của ông cha, thì con cái nó cũng bỏ”. Người nông dân cũng có lúc suy nghĩ sâu xa vậy đấy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG