Vu lan cùng 100 cụ bà không con cái

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày lễ Vu Lan (rằm tháng Bảy) gắn với kinh “Vu lan bồn” kể chuyện Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả nhưng vẫn luôn tưởng nhớ mẹ, đi tìm hình bóng mẹ.

Thấy mẹ mình phạm tội khi qua đời bị trừng phạt biến thành quỷ đói, nên bồ tát ra sức cứu mẹ. Một mình vị bồ tát ấy cũng không thể cứu được người mẹ già nên chư tăng khắp nơi nghe chuyện cảm kích cùng nhau cầu nguyện cuối cùng đã giúp cho mẹ của bồ tát thoát khỏi cảnh khổ cực.

Ngày lễ vu lan báo hiếu giờ đây phổ biến ở Việt Nam bởi hiếu thuận là một nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu viết: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Người xưa theo Khổng giáo, coi việc lập thân, lập nghiệp làm trọng, nhưng Lục Vân Tiên đang trên đường đi thi, nghe tin mẹ mất thì bỏ thi trở về chịu tang. Dọc đường thương mẹ, khóc mù cả mắt.

Vu lan cùng 100 cụ bà không con cái ảnh 1

Chăm sóc các cụ bà cao tuổi trong chùa Lâm Quang mùa Vu Lan 2022. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ngày lễ vu lan là dịp để bố mẹ ông bà được con cháu báo hiếu, từ một cuộc điện thoại, một tin nhắn đến những món quà như lụa là, bánh trái. Với bố mẹ đã mất thì lễ cúng vu lan rằm tháng Bảy là lễ lớn nhất trong năm, nên có câu: “Cả năm được rằm tháng Bảy”.

Nhưng, trong cuộc sống có đây đó những người mẹ không con cái người thân thì rằm tháng Bảy của họ sẽ như thế nào? Ai sẽ báo hiếu cho những người neo đơn không nơi nương tựa?

Chùa Lâm Quang (Quận 8, TPHCM) hiện nuôi hơn 100 cụ bà neo đơn, phần lớn họ không con cái, không nhà cửa. Chính mái chùa đã chở che cho những người già mà cả cuộc đời chưa một lần làm mẹ.

Cụ Võ Thị Lan, năm nay 80 tuổi, nói: “Tôi đi tu từ nhỏ, trước tu ở chùa Quan Âm Các. Lớn tuổi mà không con cái, tôi xin vào ở chùa Lâm Quang đã 3 năm nay”. Thói quen cả đời lần tràng hạt, cụ chẳng bao giờ rời tay khỏi chuỗi hạt.

Cụ Ngọc 83 tuổi, kể: “Tôi cả đời đi may, không chồng con. Thủa trẻ cuộc sống cơ cực nên chẳng nghĩ đến việc lập gia đình, nay ở nương nhờ chùa”. Nom cụ gầy gò, nhưng nét vẫn tinh anh, cụ bảo: “Chỗ chúng tôi đây, ai 75 tuổi thì cũng gọi là trẻ trâu đấy ạ !”.

Chùa Lâm Quang (do nhà sư Thích Nữ Huệ Tuyến trụ trì) hơn 20 năm nay cưu mang các cụ bà neo đơn tuổi từ 70 đến 90. Hai mươi sư cô cùng sư phụ chăm sóc các cụ như những người mẹ của họ vậy.

Sư cô Diệu Hạnh vào chùa từ năm 1999 và lo cho các cụ già từ đó đến giờ. Sư cô nói: “Ngày trước các sư cô làm nhang, bán cơm chay để lấy tiền nuôi các cụ. Nay nhờ sự giúp đỡ của bá tánh nên các sư cô cũng đỡ vất vả hơn”.

Sư Diệu Thảo 14 tuổi đi tu, bố mẹ vào chùa khuyên: “Con đã quyết theo thì theo đến cùng, đừng bỏ dở”. Sư cô Diệu Thảo kể: “Sư nay đang học đại học chuyên ngành Đông Y để về bấm huyệt chữa bệnh cho các cụ trong chùa Lâm Quang”.

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, những tháng cao điểm, trong chùa có 30 cụ già nhiễm bệnh. Sư Diệu Thảo rơi lệ kể: “Các sư cô mặc đồ bảo hộ suốt ngày đêm để chăm sóc nuôi dưỡng các cụ. Sự sống cái chết cách nhau trong gang tấc. Bố của sư cô gọi điện vào dặn: Các cụ già nhiễm bệnh rất dễ tử vong, dù sư cô có phải hy sinh tính mạng của mình cũng phải cố gắng giúp các cụ an toàn vượt qua đại dịch”.

Mùa vu lan báo hiếu năm nay, chùa Lâm Quang rộn rã tiếng cười và ánh mắt vui vẻ của hơn 100 cụ già neo đơn nhưng không cô đơn. Ngoài các sư thì những Phật tử làm công quả cũng ngày đêm chăm sóc các cụ. Anh Hoàng, một người làm công quả nói: “Mỗi ngày tôi cõng khoảng 100 lần các cụ đi vệ sinh, tắm rửa. Các cụ gọi tôi là lực sĩ cõng người già”.

Bác Tuyết 75 tuổi bảo: “Sư phụ cho vào chùa ở, thấy vui hơn ở ngoài. Trong này hơn trăm cụ bà già yếu như nhau, nhưng thương nhau ghê lắm. Sớm mai hỏi thăm, tối trước khi ngủ cũng hỏi han nhau dù rằng tuổi già yếu, có người ngủ rồi chẳng bao giờ thức dậy nữa”.

Sư Diệu Thảo kể: “Hơn 3 năm nay, phần vì đại dịch COVID-19 nên sư cô chưa một lần về thăm bố mẹ. Nhưng bố mẹ cũng thông cảm động viên, bảo rằng: Sư cô giúp đỡ các cụ già neo đơn cũng là đem lại niềm vui cho bố mẹ và xã hội, đó cũng là báo hiếu rồi!”.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.