Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Việt Nam vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu…
Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO ảnh 1

Đoàn Việt Nam dự kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO. (Ảnh: Mofa)

Kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng UNESCO khai mạc ngày 7/11 tại trụ sở của tổ chức ở Paris, Pháp, với sự tham gia của đại diện 194 nước thành viên, 12 nước thành viên liên kết, các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam, làm Trưởng đoàn tham dự Kỳ họp.

Đại hội đồng UNESCO diễn ra hai năm một lần, quyết định các vấn đề mang tính chiến lược, đường lối của tổ chức.

Kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng UNESCO sẽ thông qua chương trình và ngân sách giai đoạn 2024-2025, chiến lược quản lý nguồn nhân lực giai đoạn 2023-2027, chiến lược hoạt động của UNESCO dành cho các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển cũng như thảo luận nhiều vấn đề cấp bách hiện nay góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững.

Kỳ họp sẽ bầu 31 thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO và thành viên của 12 cơ quan chuyên môn quan trọng nhiệm kỳ 2023-2027.

Phát biểu tại Phiên toàn thể các nhà lãnh đạo về chính sách chung của Đại hội đồng UNESCO ngày 8/11, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đồng hành cùng với UNESCO và các quốc gia thành viên khác để xây dựng và duy trì một thế giới văn hóa, giáo dục, khoa học phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc UNESCO, Trợ lý Tổng giám đốc về Đối ngoại, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, Tổng giám đốc ICOMOS và Trưởng đoàn một số quốc gia để thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương và đa phương.

Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO ảnh 2

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tiếp xúc Tổng Giám đốc UNESCO. (Ảnh: Mofa)

Trong trao đổi, các lãnh đạo UNESCO đều bày tỏ tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với UNESCO, cảm ơn sự đóng góp ngày càng lớn của Việt Nam trong triển khai thực hiện các hoạt động trên các lĩnh vực của UNESCO và vai trò quan trọng, trách nhiệm tại các cơ chế then chốt của tổ chức, mong Việt Nam sẽ ứng cử thành công trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Lãnh đạo và Ban thư ký UNESCO chúc mừng các hồ sơ của Việt Nam mới được ghi danh như: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, hai thành phố Hội An và Đà Lạt là thành phố sáng tạo, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, Khu khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Con Moong, các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ...; hỗ trợ trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, đặc biệt là Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.

Tại kỳ họp lần này, Việt Nam vinh dự được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO. Điều này thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, và đặc biệt là sự ghi nhận đối với những đóng góp tích cực của Việt Nam trong tổ chức UNESCO.

Đại hội đồng lần này cũng sẽ xem xét danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.

Kỳ họp diễn ra đến hết ngày 22/11.

MỚI - NÓNG