Việt Nam chỉ còn 27 năm để giảm phát thải ròng carbon bằng 0

0:00 / 0:00
0:00
TPO - PGS, TS. Phạm Tiến Đạt cho biết phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Với mục tiêu đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0, Việt Nam chỉ còn 27 năm để thực hiện.

Tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ” do Báo Người Lao Động tổ chức vào chiều ngày 12/10 tại Đồng Nai, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế nêu lên vấn đề kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, nhưng còn nhiều điều đáng bàn.

Việt Nam chỉ còn 27 năm để giảm phát thải ròng carbon bằng 0 ảnh 1

Phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư xanh

Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết từ những năm 2000, Đồng Nai đã chủ trương thu hút công nghệ sạch, công nghệ cao ít sử dụng lao động. Các dự án đầu tư mới vào tỉnh chủ yếu sử dụng lao động tiên tiến trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư thời gian qua không đạt kỳ vọng, chất lượng còn khiêm tốn, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

Tại Hội nghị Cấp cao về Biến đổi Khí hậu COP26 diễn ra tại Anh tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành khung hành lang pháp lý để đạt mục tiêu trên và bảo đảm chính sách thu hút đầu tư xanh, phát triển bền vững.

Tiến tới thực hiện mục tiêu này, bà Hoàng cho biết tỉnh Đồng Nai đang thu hút các dự án đầu tư xanh. "Thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực và vốn để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia của tỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thu hút đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn cho giao thông, kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đặc biệt hệ thống giao thông kết nối với sân bay quốc tế Long Thành" - bà Hoàng nói.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kinh tế - xã hội gắn phát triển tỉnh với phát triển vùng và quốc gia, trong đó phát triển xanh và bền vững là yếu tố then chốt. Tỉnh ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao. Đặc biệt, Đồng Nai sẽ kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Về phát triển kinh tế xanh, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - chia sẻ, TPHCM sẽ tập trung vào các nội dung chính như xây dựng cơ sở hạ tầng, công viên, hạ tầng kết nối du lịch, du lịch xanh ở Cần Giờ; tạo môi trường phát triển du lịch xanh thông qua các cơ chế khuyến khích du lịch xanh, hợp tác với các địa phương để phát triển du lịch xanh; Nâng cao chất lượng dịch vụ, như: Tập huấn cho các cơ sở du lịch theo tiêu chuẩn ASIAN, tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên... quảng bá về du lịch xanh. Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp xanh như hỗ trợ vốn, ưu đãi khi đầu tư liên quan đến kinh tế, du lịch xanh.

Chia sẻ về phát triển kinh tế xanh, ông Định Ngọc Thuận - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Đồng Nai (Sonadezi) - cho biết, hiện Công ty đang đầu tư 11 KCN ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Trong khoảng 10 năm qua, Sonadezi đã hướng đến đầu tư xanh như sử dụng năng lượng xanh (điện năng lượng mặt trời). Hiện các mái nhà xưởng có thể triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời, Sonadezi đều đầu tư...

Nói về nhiều lợi ích của đầu tư xanh, PGS-TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng nêu lên nhiều thách thức trong thu hút đầu tư xanh. Theo đó, đầu tư xanh đặt ra thách thức lớn về vốn đối với các quốc gia đang phát triển, các doanh nghiệp. Đầu tư vào máy móc thiết bị thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí trả trước rất cao và chi phí chuyển đổi phương thức sản xuất cũ là lớn. Đặc biệt, các khoản tiền gửi ngắn hạn và đầu tư ngắn hạn không phù hợp với bản chất lâu dài của các dự án đầu tư xanh, thường kéo dài hơn một thập niên. Do vậy, phần lớn các nước đang phải đối mặt với những thách thức cụ thể trong việc huy động tài chính xanh và bền vững.

Theo ông Đạt, việc tiếp cận tài chính là một trong những khó khăn cho các doanh nghiệp xanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mới thành lập và có nguồn tài chính hạn hẹp. Trong bối cảnh nguồn tài chính công còn hạn chế, các doanh nghiệp xanh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư chia sẻ giá trị và mục tiêu. Do đó, tài chính xanh tư nhân vẫn còn khan hiếm do các vấn đề về môi trường, bất cân xứng thông tin và khả năng phân tích.

Về chính sách thu hút đầu tư xanh từ khu vực kinh tế tư nhân, PGS, TS. Phạm Tiến Đạt cho biết phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Với mục tiêu đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0, Việt Nam chỉ còn 27 năm để thực hiện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân.

MỚI - NÓNG