Việt Nam chậm chân trong cuộc đua tới Nam cực

TS Doãn Đình Lâm tại Nam cực
TS Doãn Đình Lâm tại Nam cực
TP - Việt Nam có nguy cơ mất phần tại Nam cực, cũng như mất cơ hội khai thác khoáng sản quý, đặc biệt là băng cháy - loại năng lượng của tương lai - trên vùng đất này. Nhà địa chất Việt Nam đầu tiên có cơ hội đặt chân tới Nam cực đã phát đi thông điệp trên.
TS Doãn Đình Lâm tại Nam cực
TS Doãn Đình Lâm tại Nam cực .

Nhiều nước đặt trạm nghiên cứu

Theo lời mời của Viện trưởng Viện Nghiên cứu cực Hàn Quốc (KOPRI), TS Doãn Đình Lâm, Trưởng phòng Trầm tích Viện Địa chất đã tham gia chuyến khảo sát tại đảo King George năm 2010. Đoàn đã khảo sát địa chất và thu thập mẫu vật tại bán đảo Barton và Weiver, đảo King George. Đây là một đảo nằm ở cực bắc của Nam Cực, được phát hiện năm 1819.

Trên đảo King George hiện nay có 44 trạm nghiên cứu của 18 nước trên thế giới. Tiềm năng khai thác khoáng sản ở đây rất phong phú, đặc biệt là dầu khí, đá quý và các kim loại quý hiếm. Trong đó có băng cháy là một loại năng lượng mới, nguồn năng lượng của tương lai.

Trở về từ vùng đất còn nhiều bí ẩn, TS Lâm cho biết vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc choáng ngợp. Nam cực không chỉ thu hút bởi vẻ hoang sơ hùng vĩ, mà còn bởi sự có mặt đáng nể của các nhà khoa học trên toàn thế giới.

Các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Italia… đã nghiên cứu địa cực từ khoảng 50 năm nay và khẳng định vị thế của mình ở Bắc cực và Nam cực. Các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu từ thế kỷ 20. Tiếp đó, thế kỷ 21 có sự xuất hiện của Thái Lan, Philippines, Indonesia.

Trạm nghiên cứu của các nước này được trang bị hiện đại, với đội ngũ nhà khoa học trẻ, tài năng. Chương trình làm việc tại các trạm rất ngặt nghèo để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, mùa đông có thể lạnh dưới âm 80 độ C.

Trạm nghiên cứu của các nước tại Nam cực
Trạm nghiên cứu của các nước tại Nam cực .

TS Doãn Đình Lâm đã thu thập 30 kg mẫu vật địa chất và địa y tại bán đảo này phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày tại các bảo tàng ở Việt Nam. “Chuyến đi này góp phần khẳng định sự có mặt của các nhà khoa học Việt Nam tại Nam cực - vùng đất tiềm ẩn nhiều điều thú vị mà hiện nay các nhà khoa học trên thế giới đang rất quan tâm”, TS Lâm cho biết.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo TS Lâm, cho đến nay cộng đồng quốc tế chưa phân chia khu vực Nam Cực cho bất kỳ quốc gia nào mà coi đó là sân chơi chung. Tuy nhiên, trong tương lai gần rất có thể sẽ có một cuộc chia sẻ quyền lợi ở Bắc cực và Nam cực của các nước đã có nhiều năm nghiên cứu, chiếm lĩnh địa cực. Thời điểm có thể sau năm 2041 - là thời điểm công ước Nam cực cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực Nam cực hết hiệu lực.

Hiện các nước đang đổ tiền của vào hoạt động nghiên cứu tại Nam cực. Việc nghiên cứu không chỉ giúp họ có cơ hội khai thác khoáng sản tại đây mà còn thuận lợi cho việc phân chia chủ quyền giữa các nước sau này.

Nhật Bản vẫn chi khoảng 120 triệu USD/năm cho trạm nghiên cứu của mình, Trung Quốc khoảng 25 triệu USD… Mỗi nước đều có viện nghiên cứu cực thuộc quốc gia và ủy ban quốc gia về nghiên cứu cực.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có một động thái nào để tham gia lĩnh vực này.

Theo TS Lâm, nếu Việt Nam chậm triển khai nghiên cứu, chiếm lĩnh Bắc cực và Nam cực thì sẽ không có vị thế và quyền lợi trong việc khai thác tài nguyên giàu có ở hai cực này trong tương lai. “Việt Nam cần thành lập ngay một nhóm nghiên cứu địa cực. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất chương trình này, nhưng chưa được chấp thuận” - TS Lâm trăn trở.

TS Lâm cho biết, Việt Nam đang nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. Phải khảo sát xem Việt Nam có thể đặt trạm nghiên cứu ở vị trí nào, đồng thời thâm nhập, tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu, nhờ sự hỗ trợ của quốc tế. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam tham gia hoạt động nghiên cứu cực còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng.

“Trong tương lai, Việt Nam phải trở thành thành viên của Diễn đàn châu Á về khoa học địa cực. Các nước thành viên của diễn đàn đều họp mỗi năm một lần để trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác giữa các thành viên.

Để được là thành viên phải có trạm nghiên cứu và đội ngũ nghiên cứu, có ủy ban quốc gia về cực, có nhóm nghiên cứu cực… Nếu không xây dựng nền móng nghiên cứu từ bây giờ, chúng ta sẽ mất đi cơ hội quý giá cho thế hệ tương lai tại vùng địa cực của thế giới” - TS Lâm chia sẻ.

Ngày 3- 2, Phạm Vũ Thiều Quang, học sinh lớp 4 trường Quốc tế UNIS Hà Nội đã đặt chân đến Nam Cực, và trở thành người châu Á trẻ tuổi nhất (9 tuổi) đặt chân tới đây. Quang cùng bố đến Buenos Aires (Argentina), sau đó đi Ushuia - thành phố cực nam của địa cầu ở Argentina và lên tàu thám hiểm MS Fram của hãng Hurtigruten (Anh) để đến Nam Cực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.