Vì sao việc áp dụng giao hàng mới tại cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, ách tắc?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kể từ ngày 1/3, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị áp dụng phương thức giao hàng xuất khẩu mới sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì muốn thông thương hàng hóa nhiều, giải phóng sự ùn ứ tại cửa khẩu thì ngược lại, tại đây lại diễn ra sự ì ạch xuất hàng chưa từng có.

Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết: Bắt đầu từ sáng 1/3, hai bên Việt Nam và Trung Quốc thống nhất thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu mới. Các phương tiện chở hàng xuất khẩu bàn giao phương tiện cho lái xe chuyên trách trong khu vực bến bãi của Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan sẽ thực hiện theo 5 bước: Đầu tiên, mỗi lượt sẽ có một số xe hàng xuất của Việt Nam (bao gồm đầu kéo và đầu sơmi rơ-moóc) vào hai bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1119-1120. Bãi chờ xuất (bên phải tuyến đường) để thực hiện cắt container, bãi chờ nhập (bên trái tuyến đường) để thực hiện cẩu container. Công nhân Việt Nam thực hiện cắt, cẩu container để lại tại 2 bãi chờ. Sau đó lái xe điều khiển toàn bộ đầu kéo rời khỏi bãi, lực lượng y tế Việt Nam tiến hành khử khuẩn (chỉ có công nhân vận hành cần cẩu ở lại, các công nhân này mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và được niêm phong buồng lái).

Vì sao việc áp dụng giao hàng mới tại cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, ách tắc? ảnh 1

Các chủ hàng, lái xe mệt mỏi, ngóng trông để hàng được xuất bán qua biên giới -Ảnh: Duy Chiến

Vì sao việc áp dụng giao hàng mới tại cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, ách tắc? ảnh 2

Các lái xe, người khai báo hải quan tại cửa khẩu Hữu Nghị luôn chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch, tuy nhiên, phía bạn luôn có sự siết chặt kiểm tra dẫn đến việc ùn tắc kéo dài -Ảnh: Duy Chiến

Vì sao việc áp dụng giao hàng mới tại cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, ách tắc? ảnh 3

Lực lượng chức năng ở cửa khẩu Hữu Nghị căng mình điều tiết để tránh ùn ứ cục bộ tại khu vực biên giới -Ảnh: Duy Chiến

Phía Trung Quốc bố trí lái xe đầu kéo hoặc sơmi rơ-moóc đi theo đường chuyên dụng hàng hóa vào 2 bãi chờ xuất này. Nhân viên Trung Quốc sẽ thực hiện quy trình nối container, hỗ trợ lái cẩu Việt Nam thực hiện cẩu container lên phương tiện của Trung Quốc (việc vận hành cần cẩu do công nhân Việt Nam thực hiện). Sau khi hoàn thành, lái xe chuyên trách của Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc giao hàng qua đường chuyên dụng vận tải hàng hoá khu vực mốc 1119-1120. Khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện đi theo đường xuất nhập cảnh, khu vực mốc 1116-1117, trả container rỗng tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế. Sau khi trả xong container rỗng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển đầu kéo vào 2 bãi xe quy định để nhận container hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường cũ. Nghĩa là, xe rỗng của Trung Quốc đều đi về theo đường xuất nhập cảnh, khu vực mốc 1116-1117.

Vì sao việc áp dụng giao hàng mới tại cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, ách tắc? ảnh 4

Từ 1/3 đến nay, mỗi ngày chỉ xuất khẩu được 1-2 xe hàng nên sự ùn tắc vẫn tiếp diễn trầm trọng -Ảnh: Duy Chiến

Vì sao việc áp dụng giao hàng mới tại cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, ách tắc? ảnh 5

Hiện tại ở cửa khẩu Hữu Nghị vẫn còn tồn trên 880 xe hàng chờ xuất khẩu -Ảnh: Duy Chiến

Đánh giá về việc thí điểm phương thức giao hàng mới, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Nguyễn Tiến Bộ cho biết, năng lực thông quan hàng xuất khẩu của Việt Nam sang bên kia biên giới vẫn rất yếu, kém. Cụ thể, 3 ngày hôm nay, mỗi ngày chỉ xuất được 1-2 xe hàng.

“Nguyên nhân chủ yếu do phía Trung Quốc vẫn siết chặt công tác phòng chống dịch COVID-19. Khi trao đổi tìm cách tháo gỡ, khắc phục, phía bạn nói cần xin ý kiến cấp trên và cần thời gian để xem xét, đánh giá lại mô hình, phương thức giao hàng mới”, ông Nguyễn Tiến Bộ nói.

Theo ông Bộ, ngoài ra những đầu kéo của Trung Quốc nhiều khi lại không tương thích với rơ moóc và thùng container của ta dẫn đến việc giao thương lâu hoặc không thực hiện được.

Các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục trao đổi, hội đàm và khắc phục những khó khăn, bất cập kể trên để “dòng chảy” xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt- Trung được trở lại bình thường.

Theo báo cáo, đến sáng 4/3 trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn vẫn tồn trên 1400 phương tiện chở hàng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

MỚI - NÓNG