Vì đâu phải có lễ Vu Lan?

TPO - Những vụ án trong đó tội phạm và người bị hại có quan hệ huyết thống gần gũi luôn khiến dư luận kinh hoàng và bức xúc. Đặc biệt mùa Vu Lan năm nay lại dồn dập những vụ như thế.

Mới đây, đối tượng Nguyễn Thị Hoa ở Long An đã bị bắt và khởi tố vì tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình". Với những tình tiết tăng nặng như “Phạm tội đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên, người ở trong tình trạng không thể tự vệ, hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác”, bà Hoa có thể bị truy cứu ở khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Trớ trêu ở đây là những hình ảnh bà Hoa không chút nương tay đánh đập, xé áo, đổ phân rác lên đầu mẹ già lại do chính con gái của bà ghi lại cuối năm ngoái. Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan, đúng ngày bà ngoại mất, cô cháu gái mới công bố với người thân clip này và lập tức nó được tung lên mạng…

 Bà Hoa không phải người duy nhất công khai ngược đãi đấng sinh thành ra mình trước mặt những thành viên khác trong gia đình. Tháng Tư năm nay, cặp vợ chồng Tuấn- Loan ở Tiền Giang vừa bị kết án tù lần lượt 3 năm và 2 năm rưỡi vì hành hạ mẹ của Tuấn là một ví dụ nữa.

Rõ ràng là những hành động đi ngược đạo lý này đã được lặp đi lặp lại như một thói quen thường nhật. Họ không còn chút ăn năn, hổ thẹn hay lo xa về nhân quả, cho đến khi ra trước vành móng ngựa.

 Hóa ra những ngụ ngôn từ bao đời nay của nhân loại vẫn chẳng chệch đi đâu. Giữa những chuyện thần tiên anh em Grimm kể lại, có câu chuyện rất hiện thực: Đứa bé nhặt những mảnh bát mà ông nó đánh vỡ chắp lại, nói để sau này cho bố mẹ nó ăn. Đứa trẻ trong truyện dân gian Trung Quốc thì nhắc bố nó nhớ mang cái sọt tre đựng ông nội về, để sau này nó sẽ dùng để mang chính bố nó ra chợ bỏ…

 Chuyện thật tàn nhẫn hơn nhiều. Tháng Năm vừa qua, người ta phát hiện một người đàn ông ở Thiểm Tây (Trung Quốc) đã chôn sống mẹ ruột 79 tuổi, tàn tật tại một nghĩa địa bỏ hoang. Cô con dâu báo công an sau khi thấy chồng đưa mẹ đi vào buổi tối và trở về một mình. Người ta đã cứu được bà cụ và như mọi bà mẹ khác, việc đầu tiên bà làm khi tỉnh lại là xin tha cho đứa con sát thủ. Nước mắt có khi nào không chảy xuôi!

Trước đó một tháng, ở Yên Bái có vụ con trai cả say xỉn phang băng ghế vào đầu khiến mẹ bất tỉnh, trong khi con trai thứ hào hứng quay clip- vẫn chưa thấy có kết quả điều tra xử lý. Hay bà mẹ sống sót lại thành công trong việc xin tha cho con rồi…

Đấy, vì thực tế đôi khi kinh hoàng như vậy nên phải có những câu chuyện như Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ những mong răn người đời. Phải có hẳn một lễ Vu Lan để khơi gợi trong mỗi người tình cảm thiêng liêng nhất với mẹ cha.

 Mối quan hệ không còn gì sâu nặng hơn giữa người với người ấy xem ra cũng lại mong manh nhất. Chính vì nó gắn với nhiều trách nhiệm hơn cả, nhất là với các nước Á Đông. Bố mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái- tất nhiên vì đẻ con ra là lựa chọn của họ. Nhưng lập gia đình rồi sinh con đẻ cái nhiều khi như thể một quán tính, mọi người đều làm thì mình cũng làm mà chẳng cần suy xét, chuẩn bị gì. Hoặc cũng có những cặp chưa kết hôn ham vui sinh con ra rồi lại thảy đi như thể bọc rác. Nữ sinh viên năm thứ hai vứt con vào khe tường ở Long Biên- ví dụ vẫn còn nóng hổi. Mặc dù cặp bố mẹ trẻ đã đến bệnh viện nhận con và được coi là “cái kết đẹp”, nhưng hãy chuẩn bị tâm lý cho đứa trẻ khi nó biết những gì đã xảy ra trong ngày chào đời của mình.

Đáng lẽ từ lâu, tất cả những người trẻ tốt nghiệp phổ thông đều cần phải hoàn tất môn giáo dục để làm phụ huynh (trong tương lai có thể không xa) chứ không chỉ là giáo dục công dân chung chung. Và khi chưa biết làm gì với đứa con thì ít ra cũng phải thạo sử dụng bao cao su. Người mẹ có thể cứu chuộc phần nào hành động của mình thông qua hình phạt của luật pháp.

Nhưng sẽ vẫn phải học cách để cùng con vượt qua khủng hoảng tâm lý bị chính mẹ đẻ vứt bỏ sau này. Và tôi nghĩ đứa trẻ này trong tương lai hoàn toàn có khả năng chối bỏ bà mẹ mà không ai có thể trách được. Và trong trường hợp đấy, xã hội có thể giúp gì được cho đứa con ấy? Hay là nó cũng chẳng có lựa chọn nào khác sẽ phải sống với bà mẹ mà rất có thể vẫn khiến nó ghê sợ trong tâm trí.

Cũng như người cao tuổi ở Việt Nam nói chung không có lựa chọn nào ngoài việc sống với con cái khi về già. Trong văn hóa của chúng ta, neo đơn lúc về già mới là ác mộng. Nên là có con vẫn hơn(!) Và nếu người già không được chuẩn bị và không đủ điều kiện để sống một mình, trong khi đứa con không hẳn là “không ra gì” mà chỉ là “không hợp” thôi, thì cuộc sống về chiều nếu không là địa ngục, dễ cũng là chịu đựng nhau, cắn răng mà sống rồi. Vợ chồng có thể ly dị nhưng cha mẹ- con cái thì không.

Nhưng cũng như vài trường hợp cha mẹ tồi bị truất quyền nuôi con thì những bậc cha mẹ khi về già cũng nên được quyền từ chối ở với những đứa con đạo đức kém. Mà trong một cơ cấu dân số già hóa, tất số người gia neo đơn sẽ tăng. Rõ ràng đây là bài toán mà một xã hội nhân văn và phát triển phải giải quyết càng sớm càng tốt. Một hệ thống phúc lợi rộng khắp dành cho người cao tuổi cần được thiết lập sớm. Và tất nhiên cả những bài học sâu sắc về tình cảm và trách nhiệm gia đình trong suốt chương trình giáo dục phổ thông không bao giờ là thừa.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).