Luật Tài nguyên nước vừa được thông qua:

Ưu tiên phục hồi những dòng sông chết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật Tài nguyên nước vừa được Quốc hội thông qua là ưu tiên phục hồi các dòng sông chết nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, đã đến lúc việc phục hồi, làm sống lại các dòng sông chết phải xem là nhiệm vụ ưu tiên triển khai. Để có hành lang pháp lý cụ thể, Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông, trong đó quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Ưu tiên phục hồi những dòng sông chết ảnh 1

Ưu tiên khôi phục những dòng sông chết là nội dung quan trọng của Luật Tài nguyên nước vừa được Quốc hội thông qua Ảnh: QH

Đồng thời, bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông như đang bắt đầu thực hiện đối với sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, thông qua việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy.

Ông Vĩnh cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, để thúc đẩy cải tạo các dòng sông chết, cần đẩy mạnh xã hội hoá. Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc đầu tư lại trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước.

Ứng dụng công nghệ số

Một điểm mới của Luật Tài nguyên nước là hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước, hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Cụ thể, nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông. Đồng thời, giảm thiểu nhân lực, chi phí vận hành, quản lý.

Luật cũng hướng tới mục tiêu chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế. Theo ông Vĩnh, đây là cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng ở rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Úc, Hàn Quốc, Mỹ. Cụ thể, bổ sung quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm. Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước, bổ sung quy định về hạch toán tài nguyên nước nhằm tính đúng giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác điều hòa phân bổ tài nguyên nước trên các lưu vực sông.

MỚI - NÓNG