Tương tác ảo với bảo vật ngàn năm

0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ ảo để chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia
Ứng dụng công nghệ ảo để chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia
TP - Bảo tàng lịch sử Quốc gia cùng lúc đưa ra ba ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ hiện đại. Trong thời buổi bó chân bó tay do giãn cách kéo dài, công nghệ thực tế ảo chính là cánh cửa để công chúng tiếp cận, khám phá lịch sử dân tộc ngàn năm qua kho bảo vật.

Ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D trong giới thiệu trưng bày bảo tàng được thực hiện khá sớm. TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, năm 2013 công chúng được chiêm ngưỡng bảo vật qua trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam cùng một vài thử nghiệm số khác. Thế nhưng việc chuyển tải giá trị của hiện vật tới công chúng vẫn vấp phải hạn chế nhất định. Người xem không thể quan sát kỹ hoa văn, đường nét, hình khối, thu nhận tích hợp thông tin về hiện vật chưa phong phú.

Đại dịch làm gián đoạn hoạt động, nhưng ở khía cạnh tích cực cũng thúc đẩy Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D, hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia. Trong kho tàng hàng ngàn hiện vật quý, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trước mắt chọn ra 20 bảo vật có những giá trị lịch sử tiêu biểu, độc đáo và quý hiếm như trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, bia Võ Cạnh, bình hoa lam vẽ thiên nga, ấn Sắc mệnh chi bảo...

Bảo vật được giới thiệu ở nhiều góc độ, cấp độ thông tin, cách thức tìm hiểu. Để công chúng được thụ hưởng thông tin tối đa, những người thực hiện đào sâu và đưa ra giải pháp tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu không chỉ là tài liệu, hình ảnh, clip mà còn có các bài nghiên cứu sâu liên quan.

“Ở phần tương tác tìm hiểu giá trị hiện vật tiêu biểu, thông thường khi tham quan trực tiếp, người xem bị hạn chế trong việc quan sát kỹ tất cả các chi tiết hoa văn hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật. Thực tế, khi xem trưng bày ảo người xem thấy dễ hiểu, chi tiết và tiếp nhận đầy đủ thông tin hơn”, TS Nguyễn Văn Đoàn nói.

Sự cải tiến và hoàn thiện trong quá trình ứng dụng công nghệ giúp xóa nhòa giới hạn về không gian, thậm chí vượt trội hơn so với mắt quan sát trực tiếp. Đơn cử khách tham quan nhìn chiếc trống đồng Ngọc Lũ đóng khung trong tủ kính thì khó lòng hiểu được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này. Thế nhưng khi tiếp cận với trưng bày tương tác ảo 3D thì có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí, thông tin tỉ mỉ hơn. Với bảo vật kim sách Đế hệ thi thời vua Minh Mạng, khách tham quan có thể lật từng trang, dò từng chữ nhờ hệ thống trưng bày mới.

Nỗ lực vượt khó của những người làm bảo tàng thời gian này thật đáng quý. Tour day vốn là hoạt động tham quan bảo tàng miễn phí, duy trì từ năm 2017 do CLB Tình nguyện viên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện. Buộc phải đứt đoạn do đại dịch bùng phát từ năm 2020, những người thực hiện lại nảy ý tưởng cho ra đời tua tham quan bảo tàng trực tuyến miễn phí (Tourday online). Hoạt động triển khai theo hình thức tham quan trưng bày bảo tàng trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Zoom có hỗ trợ tính năng chia phòng họp nhỏ. Buổi tham quan bảo tàng trực tuyến đầu tiên có chủ đề Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần. Chưa đầy 24 giờ thông báo đăng ký, nhà tổ chức nhận được phản hồi của gần trăm khách muốn dự.

Ở giai đoạn này, TS Nguyễn Văn Đoàn dù vậy thẳng thắn ghi nhận một số thiếu sót cần hoàn thiện, chẳng hạn một số hình ảnh chưa thật sắc nét, chưa thực sự sinh động, chưa mang tới cảm giác thư giãn. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục hoàn thiện và bổ sung những tư liệu, hình ảnh, công trình nghiên cứu để chuyển tải giá trị của di sản dân tộc đến với công chúng trong nước, thậm chí vươn ra thế giới. Hàng nghìn hiện vật lưu giữ đã được số hóa chi tiết, có thể được đưa vào các chương trình thử nghiệm thuyết minh tự động, không gian trình chiếu 3D. Công nghệ hiện đại là giải pháp tình thế, đồng thời cũng là tương lai cho các bảo tàng để kết nối với công chúng.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.