Trưng bày bộ Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 29/8, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã khai mạc Trưng bày Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam.

Trưng bày Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam gồm 3 phần, giới thiệu gần 200 hiện vật gốc, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của danh họa Bùi Trang Chước (tên thật là Nguyễn Văn Chước).

Trong đó, phần 1 Quốc huy Việt Nam - Biểu tượng tự hào dân tộc tập trung giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh Quốc huy được thể hiện ở nhiều địa điểm trên đất liền cũng như tại biên giới, hải đảo và các giấy tờ quan trọng… để qua đó thấy được tầm quan trọng của Quốc huy Việt Nam.

Trưng bày bộ Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam ảnh 1

Công văn số 87-NG của Bộ Ngoại giao gửi Ban Thường trực Quốc hội về việc đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn.

Trưng bày bộ Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam ảnh 2

Bản vẽ tách màu đen trắng mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước để trình Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa I, tháng 9/1955.

Phần 2 Hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam, giới thiệu một số văn bản khởi nguồn cho việc sáng tác Quốc huy Việt Nam như Công văn số 87-NG (ngày 28/1/1951) của Bộ Ngoại giao gửi Ban Thường trực Quốc hội về đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn, Công văn số 467-NG (ngày 08/6/1951) của Bộ Ngoại giao về việc phát động cuộc thi vẽ mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).

Tiếp đó là hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước, thể hiện ở việc ông đã vẽ các mẫu Quốc huy Việt Nam với hình ảnh bông lúa, cái đe hoặc bánh xe để tượng trưng cho công nông nghiệp.

Trưng bày bộ Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam ảnh 3

Một số phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước.

Trưng bày bộ Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam ảnh 4

Quốc huy Việt Nam được sử dụng trên một số loại giấy tờ.

Sau những lần được đề nghị chỉnh sửa, đến tháng 9/1955, Họa sĩ Bùi Trang Chước đã hoàn thành mẫu Quốc huy cuối cùng gồm 1 bản màu và 2 bản tách màu đen trắng để trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I.

Sau khi đưa ra bàn thảo và được chỉnh sửa một vài chi tiết, Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức được Quốc hội phê duyệt.

Ngày 14/01/1956, Chủ tịch Chính phủ VNDCCH đã ban hành Sắc lệnh số 254-SL về việc ban bố mẫu Quốc huy Việt Nam và được đăng chính thức trên Công báo số 22 (ngày 8/8/1956).

Ngày 21/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ số 973-TTg về việc dùng Quốc huy nước VNDCCH. Ngày 25/12/2021, Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Trưng bày bộ Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam ảnh 5

Phác thảo mẫu Quốc huy, Quốc kỳ Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước.

Trưng bày bộ Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam ảnh 6

Viên gạch in hình Quốc huy Việt Nam tại đảo Phan Vinh, tháng 5/2014.

Phần 3 Họa sĩ Bùi Trang Chước - Người tạo hình Quốc huy Việt Nam giới thiệu về một họa sĩ đa tài, không những sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam, mà ông còn vẽ các mẫu tiền, tem, huân, huy chương… của Việt Nam.

Ghi dấu tài năng của hoạ sĩ Bùi Trang Chước, Đảng và Nhà nước đã tặng ông Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1988), Huân chương Lao động hạng nhì (1988), Nhà nước CHDCND Lào trao tặng ông Huân chương Isala (1982)…

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với thiết kế mẫu Huân chương bao gồm Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên.

Năm 2018, tên của họa sĩ Bùi Trang Chước được đặt cho một phố tại nơi ông đã sinh ra, nay thuộc phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).

MỚI - NÓNG