Trả nợ chim trời!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đang thu tiền triệu mỗi ngày nhờ săn bắt và làm đầu nậu thu gom chim trời trên vùng đầm phá quê nhà, bỗng dưng vợ chồng ông Xuân - bà Hòa giải nghệ, quay ngoắt 180 độ, tìm cách bảo vệ chim trời giữa mênh mông đồng không mông quạnh.

Ám ảnh thời ngu muội

Sinh năm 1972, nay đã hơn 52 tuổi, cuộc sống ông Võ Công Xuân từ bé đến nay gần như gắn liền với những thăng trầm của Hạc Hải – vùng đầm phá nằm giữa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ông Xuân nói, phá Hạc Hải xưa rộng và sâu hơn bây giờ rất nhiều. Là vùng sinh thái nước lợ, phá Hạc Hải từng là vựa tôm cá và chim trời, mùa nào thức nấy không thiếu thứ gì.

Trả nợ chim trời! ảnh 1

Quê ông Xuân nằm phía bờ nam phá Hạc Hải thuộc xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Nhà nghèo, tuổi thơ của cậu bé Xuân ngày đó luôn dầm mình trong phá mò của bắt ốc, săn bắt chim trời để phụ giúp gia đình. Và không biết từ lúc nào, ông Xuân trở thành “tay sát chim số 1” trong số hàng trăm thợ săn chim trong vùng đầm phá.

“Không có loài chim nào chung thuỷ như loài ngỗng trời. Tôi từng bắn chết một con ngỗng trời mái đang ăn cùng đàn trên phá Hạc Hải. Ngay lúc đó đàn ngỗng bay đi, nhưng con ngỗng đực vẫn quanh quẩn ở đó cả chục ngày mới rời đi. Hằng năm, cứ đến ngày đó, con ngỗng đực lại xuất hiện, vần vũ trên trời kêu khóc cả tuần rồi mới rời. Khoảng 3 năm lại đây không thấy nó trở về, chắc nó quá già hoặc đã chết”.

Ông Võ Công Xuân

Ông Xuân tiết lộ, việc đánh bắt chim trời không khó, chỉ cần nắm tường tận tập tính của chúng thì không loài chim trời nào là không bắt được. “Như vịt trời chẳng hạn, chúng thường làm tổ gần chòi lán có người sinh hoạt. Hình như chúng cũng hiểu rằng, nơi nguy hiểm lại là nơi an toàn nhất. Chúng rất cam tổ và cam con, dám hi sinh cả tính mạng để bảo vệ tổ của mình. Khi có người đi gần tới nơi chúng làm tổ, vịt mẹ sẽ lao lăn đùng ra đất hoặc trên mặt nước vỗ cánh như kiểu bị thương để gây sự chú ý và đánh lạc hướng con người. Với vịt trời, những lúc ấy là dễ bắt nhất” – ông Xuân tâm sự.

Năm 1994, chàng lực điền Võ Công Xuân cưới cô gái cùng làng, kém mình 2 tuổi Đỗ Thị Hoà làm vợ. Cũng như bao cặp vợ chồng trẻ ở vùng đầm phá Hạc Hải, vợ chồng Xuân – Hoà cũng ngụp lặn theo từng con nước để kiếm cái ăn. Năm 2000, để tiện cho việc mưu sinh, vợ chồng ông Xuân ra vùng Cửa Rào của phá Hạc Hải be bờ, đắp đập được gần 7 ha để trồng lúa và nuôi trồng thuỷ sản.

Trả nợ chim trời! ảnh 2

Tổ của vịt trời đầy ắp trứng

Ở giữa mênh mông trời nước, ông Xuân tha hồ thi triển các ngón nghề để bắt chim trời đi bán. Không chỉ thế, vợ chồng ông còn làm đầu nậu thu gom tất cả chim trời của các phường săn trong vùng xuất bán ra miền Bắc. “Ngày đó chim trời ở phá Hạc Hải nhiều vô kể, người ta bắt chim dễ như bắt gà trong chuồng. Bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi thu gom được cả nghìn con chim trời đủ các loại bán cho thương lái miền Bắc, tiền lãi có ngày gần chục triệu đồng” – bà Hoà kể.

“Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên” là câu thành ngữ đầy tự hào của người xưa về một vùng đất sơn thủy hữu tình của Quảng Bình. Ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, có một ngọn núi 3 chóp, hình như chiếc xà mâu, cao 783 thước tây, tục gọi là núi Đầu Mâu. Nằm ở phía Đông, không xa dưới chân núi Đầu Mâu là phá Hạc Hải (biển cạn), trải rộng khoảng 12 km2, nằm giữa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Hằng ngày, cứ đến xế chiều, bóng núi Đầu Mâu in lên mặt phá Hạc Hải như chiếc bút chấm lên nghiên mực.

Ông Xuân nói, bây giờ nghĩ lại cái thời săn bắt và buôn bán chim trời cứ thấy rờn rợn trong người và xem đó là thời ngu muội của bản thân. Để xuất bán chim ra miền Bắc, vợ chồng ông Xuân sau khi gom chim về thì dùng dao cắt cổ giết chim, sau đó để cả lông cho vào thùng xốp có đá lạnh, gọi là cấp đông, rồi cho lên xe ô tô để chuyển ra Bắc. “Nhìn hàng trăm con chim nằm la liệt trên nền đất, mắt trợn tròn trong vũng máu như oán trách, như căm thù, khiến tôi không ít lần cảm thấy rùng mình. Ngày đó, có lẽ vì đàn con nheo nhóc, vì cơm áo gạo tiền đuổi sau lưng mà mình đã nhắm mắt làm càn, hoá kiếp không biết bao nhiêu chim trời” – ông Xuân ăn năn.

Trả nợ chim trời! ảnh 3

Con cháu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 1 lần đến thăm vườn chim của vợ chồng ông Xuân

“Làm nhà” cho chim trời về trú ngụ

Sự chuyển hoá trong con người ông Xuân có lẽ là nhờ vào những lúc một mình trong đêm thanh vắng trên phá Hạc Hải. Tiếng chim cứ thưa dần theo ngày tháng, thậm chí có khi vài tháng ông không nghe thấy tiếng chim gọi bầy. “Đặc biệt là những đêm trăng một mình, thèm được nghe tiếng chim kêu gọi bầy đến lạ. Càng thanh vắng, càng cô độc, cảm giác mắc nợ và hối hận cứ giày vò tôi mỗi khi bóng đêm trùm trên mặt phá. Phải làm một điều gì đó trước khi quá muộn, câu hỏi này cứ thường trực trong đầu tôi cho đến khi tôi tâm sự với vợ. Và thật bất ngờ bà ấy cũng cùng suy nghĩ như tôi nhưng chưa kịp nói ra” – ông Xuân tâm sự.

Năm 2018, vợ chồng ông Xuân móc hầu bao hơn 100 triệu đồng lặn lội vào miền Nam mua hơn 1.000 cây cà na mang về trồng trên bờ đê ở vùng đất do vợ chồng ông khai hoang trên phá Hạc Hải để “làm nhà” cho chim trời về trú ngụ. Cây cà na bén đất xanh tốt rất nhanh, nhưng trận lũ lịch sử năm 2020 đã xoá sạch công lao của vợ chồng ông Xuân. Không bỏ cuộc, ông Xuân tiếp tục mua hàng trăm cây dừa nước và cây đước về trồng. “Thử nghiệm nhiều loài cây, tôi nhận ra rằng, ở vùng đất này phù hợp nhất vẫn là những loài cây bản địa như bần, cừa, lộc vừng…” - ông Xuân đúc rút.

Trả nợ chim trời! ảnh 4

Ông Xuân thường mua chim bán ở chợ về thả trong vườn chim của mình

Từ dạo vợ chồng ông Xuân trồng cây “làm nhà” cho chim, giữa mênh mông nước bạc nổi lên một cù lao xanh ngắt chờ đón chim trời trở lại. Lúc đầu vài con về tá túc như để thăm dò, dần dà từng đàn chim trời đã chọn rừng cây của ông Xuân làm “bãi đáp” tạm thời trên đường di cư và không ít loài chim chọn nơi đây xây tổ để sinh sản. “Nhờ vườn cây mà nhiều loài chim, từ vịt trời, ngỗng trời, le le đến chim hạc, chim bồng và cả sâm cầm đã trở lại Hạc Hải. Khoảng tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, trên những bờ ruộng, trong những lùm cây ở đây, chỉ cần tinh ý là thấy những tổ chim với bao nhiêu trứng” – ông Xuân tự hào nói.

Dụ được chim trời trở lại đã khó mà bảo vệ an toàn cho chúng lại càng khó. Nhiều tay thợ săn sau bao năm giải nghệ vì hết chim, nay thấy chim lại về trên phá liền quay lại nghề cũ với nhiều loại phương tiện hiện đại hơn nhiều. Ban đầu họ lao thẳng vào vườn chim của ông Xuân để săn bắt, gặp vợ chồng ông Xuân ngăn cản, họ cự lại, nhiều lúc suýt đánh nhau. Săn ngày không được thì họ săn đêm, khiến vợ chồng ông Xuân nhiều đêm thức trắng để canh cho đàn chim trời yên ngủ.

Bằng sự kiên trì và niềm tin mai này ý thức của người dân sẽ thay đổi, ông Xuân đã rủ được thêm 7 hộ gia đình cùng ra vùng Cửa Rào be bờ, đắp đập được hơn 30ha để nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây “làm nhà” cho chim trời về làm tổ. Dân làng Hoa Thuỷ nhiều người cũng đã bắt đầu ủng hộ cách làm của vợ chồng ông Xuân. Đặc biệt là lãnh đạo chính quyền xã, huyện rất quan tâm và thường xuyên về động viên vợ chồng ông Xuân. Bí thư Huyện ủy Lệ Thuỷ Lê Vĩnh Thế nói, vợ chồng ông Xuân đang giúp Hạc Hải hồi sinh và mong muốn có thêm nhiều mô hình như vợ chồng ông Xuân để Hạc Hải ngày thêm trù phú.

MỚI - NÓNG