Tổng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên 236 nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đoàn giám sát, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng.
Tổng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên 236 nghìn tỷ đồng ảnh 1

Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội

Miễn giảm, gia hạn thuế, phí 435,5 nghìn tỷ đồng

Sáng 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Thông tin tại phiên họp, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho biết, thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, đã có nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính hỗ trợ trực tiếp trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp được ban hành.

Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023...

Theo bà Nguyễn Thuý Anh, nguồn lực được thực hiện giai đoạn 2020-2022 có quy mô khoảng 613 nghìn tỷ, trong đó, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khoảng 435,5 nghìn tỷ đồng; các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng.

“Đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vắc - xin), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng. Quỹ vắc - xin phòng chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng”, đoàn giám sát nêu.

Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, theo bà Nguyễn Thuý Anh, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến và tuyến xã là 15,8%.

“Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện. Các trạm y tế xã thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, và bước đầu triển khai việc quản lý sức khỏe người dân”, bà Nguyễn Thuý Anh cho hay.

Chế độ chính sách chưa đủ giữ chân cán bộ

Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế, như hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch.

Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc ban hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời; một số chính sách chưa đạt được kết quả như dự kiến.

Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.

Tổng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên 236 nghìn tỷ đồng ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên thảo luận

“Việc điều động, hỗ trợ nhân lực giữa các địa phương, đơn vị chưa có kế hoạch tổng thể, thiếu điều phối chung; thiếu thống nhất, đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương và lực lượng phòng, chống dịch”, đoàn giám sát cho hay.

Trong việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; nguồn nhân lực tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra.

Đáng lưu ý, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.

“Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19”, bà Nguyễn Thuý Anh nêu, đồng thời đánh giá, việc cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng".

Xác lập quyền sở hữu toàn dân

Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp. Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát trên cơ sở cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng sau và phải hoàn thành trước 31/12/2023:

Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31/12/2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định.

Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Đồng thời cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực tế đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng nhưng vì lý do khách quan nên không có đủ hồ sơ, tài liệu, không xác định giá trị hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch cao hơn so với giá mặt hàng tương đương.

MỚI - NÓNG