Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

'Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc năm 2022, khai mạc sáng 12/2 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Ngày hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

'Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó' ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo bộ, ban, ngành về Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tham dự Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc 2022.

“Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó với nhau. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta. Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó.

'Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó' ảnh 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc 2022.

Chính sách dân tộc của Đảng đã tạo mọi điều kiện cho sự gìn giữ và phát triển tính khác biệt trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời làm cho văn hóa của các dân tộc hòa quyện với nhau tạo thành văn hóa Việt Nam bền vững và tỏa sáng. Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của mình luôn sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước nhắc lại, khi đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập) trong số 34 cán bộ chiến sĩ đầu tiên, 29 người là dân tộc thiểu số. Những đóng góp, cống hiến, hi sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số hết sức oanh liệt, thầm lặng và sâu sắc trong thời chiến cũng như thời bình. Niềm tin, quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số đã luôn kiên định và bền bỉ. Nhiều tấm gương anh hùng vệ quốc là người đồng bào dân tộc thiểu số.

'Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó' ảnh 3

Chủ tịch nước tặng quà một số nghệ nhân, đồng bào tại Làng.

Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội và quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Với nhiều hoạt động hằng năm tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng Ngôi nhà chung này là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

“Có một điều tôi vui mừng nhận thấy rằng: Những vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của 54 dân tộc không chỉ được hiển lộ tại nơi này, mà là nếp sinh hoạt đời sống hàng ngày của mỗi dân tộc trên quê hương Việt Nam. Điều ấy đã làm cho những vẻ đẹp văn hóa được lan tỏa trong cuộc sống chứ không phải chỉ nằm trong kho tàng. Những vẻ đẹp muôn màu đó đã và đang hòa quyện vào nhau làm nên vẻ đẹp lớn lao và thẳm sâu của văn hóa Việt Nam”, Chủ tịch nước bày tỏ.

'Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó' ảnh 4

Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể có giải pháp cụ thể hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương có những giải pháp việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội. Để tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào như Văn kiện Đại Hội XIII của Đảng đã đề ra.

“Chúng ta, đặc biệt là chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của những nhóm dân tộc ít người nhất Việt Nam như dân tộc Ơ Đu, BRâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La. Mỗi dân tộc là một cành, trong cái cây vĩ đại mang tên Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ bằng mọi giá vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho tất cả những cành, nhánh ấy đâm chồi nảy lộc, nở hoa, kết trái” Chủ tịch nước nêu.

'Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó' ảnh 5

Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới chính sách dân tộc.

Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, bởi lẽ, thông qua sự kết nối kỳ diệu của văn hóa, chúng ta mới dễ dàng có được sự gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc là hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Sự kiện năm nay diễn ra ngày 12-13/2 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, với sự tham gia của hơn 200 đồng bào dân tộc của 24 cộng đồng từ 15 tỉnh thành đại diện các vùng miền, Ngày hội khởi đầu cho khát khao, ước vọng của cộng đồng dân tộc đang sinh sống, hoạt động tại Ngôi nhà chung.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.