Tôi dân rau má

TP - Khi tôi tự giới thiệu tôi người Thanh Hóa, nhiều người cười đùa: “Dân rau má”, hoặc “Thanh Hóa, rau má - phá đường tàu”. Tôi cũng cười nửa đùa nửa thật: “Vâng, tôi dân rau má”.

Quả thật là hồi bé, tuy không bị đứt bữa hay đói đến mức phải ăn rau má trừ cơm nhưng tôi vẫn thường đi hái rau má. Đâm ra thạo. Đến giờ tôi vẫn tự hào biết cái điều mà hầu hết những người tôi hỏi đều không biết: Rau má ít nhất có hai loại, má bát và má mỡ.

Tôi dân rau má ảnh 1

Rau má ăn sống được người Thanh Hóa trình bày thành những bó nhỏ đẹp mắt Ảnh: Hoàng Lam.

Má bát là thứ rau má giờ thông dụng dùng ăn sống, xay sinh tố. Lá của má bát to, dày, hơi thô ráp, màu xanh đậm, vành lá hơi cong đều lên phía trên, tạo hình hơi giống cái nón. Má bát ra hoa nhỏ xíu màu tím. Loại này hay mọc trong làng, hoặc ở những bãi cỏ, luống khoai, lạc. Má bát ăn giòn, vị ngái đắng pha ngọt khá đậm, nhai kỹ thì chuyển bùi mát.

Má mỡ thân và lá đều nhỏ hơn. Lá không cong hình nón, trơn láng mỡ màng, màu vàng nhạt, hoa cũng màu vàng. Má mỡ hay mọc ở những ruộng đang để khô, chờ mục gốc ra sau vụ mùa (tôi rất mê những thửa ruộng này vì có thể hái trên đó ba thứ: rau má mỡ, rau khúc (một thứ rau nhỏ xíu màu bàng bạc, hái về để làm bánh khúc – mà quê tôi gọi là bánh cúc) và cỏ mật, loại cỏ cũng nhỏ xíu mà búp hoa rút ra, gói vào mẩu giấy đút vào túi một lát, giở ra thấy sực nức mùi thơm như mật.

Tôi dân rau má ảnh 2

Đĩa rau má già, dây rợ lòng thòng không có gì đặc biệt này được chụp lúc 21 h ngày 20/4/2020 đúng giờ mà nhà thơ “rau má” Trịnh Anh Đạt ra đi ở tận nước Mỹ. Ảnh: Lê Xuân Sơn.

Má mỡ nhỏ, dai, vị không đậm, không được mấy người thích và giờ cũng không thấy ai ăn hay dùng vào làm việc gì. Thỉnh thoảng đến các khu nghỉ dưỡng, tôi thấy một loại má mỡ được trồng làm cảnh, lá cũng trơn láng nhưng thân và lá đều to hơn má mỡ ở ruộng ngày xưa nhiều và màu lá cũng xanh đậm chứ không vàng nhạt. Loại má này thường được trồng quanh các gốc dừa, cau, nhiều khi tạo thành thảm xanh rất đẹp.

Người ta vẫn theo thói quen trêu đùa người Thanh chúng tôi là dân rau má để nhấn mạnh cái nghèo chứ giờ rau má thật ra là thứ rau đặc sản rất có giá trị. Khi tôi nói rằng chúng tôi bị coi là dân rau má, một người giờ chủ yếu sống ở Mỹ là Á hậu trang sức Thái Như Ngọc ứ một tiếng rồi bảo rằng, ở Mỹ 8 đô (gần 200 nghìn) một cốc sinh tố rau má đấy nhé.

Tôi đi ở TPHCM thấy không thiếu những biển hiệu sinh tố rau má đẹp đẽ ở những đường, những phố không phải nhỏ. Hà Nội cũng không vắng những biển hiệu như vậy. Tôi đi nhìn những biển hiệu như thế cứ chợt thấy thân thương, tự hỏi không biết có phải đồng hương mình đang đứng bán đấy không và thường lấy điện thoại ra chụp ảnh.

Một lần trên ôtô, tôi nghe cậu lái xe nói chuyện với một ai đó vừa đi công tác vào Thanh Hóa. Người đầu dây bên kia hỏi có biết ở thành phố Thanh Hóa nhà hàng nào có món rau má sống bó thành bó nhỏ không. Tôi mỉm cười.

Giờ thì nhiều nhà hàng ở Thanh Hóa có món đó, những từ đôi chục năm trước, về Thanh tôi đã thấy nhà hàng Dạ Lan nổi tiếng ở đầu đường Phan Chu Trinh tiên phong có món này. Rau má thường lòng thòng, người ăn muốn khỏi thô lậu đành phải dùng tay quấn gọn lại thành một món nhỏ vừa miệng, cũng là giải pháp nhưng vẫn rầy rà. Giải thoát cho khách nỗi khổ đó, nhà hàng quấn sẵn rau má thành các bó nhỏ xíu xếp vào đĩa. Món ăn nhiêu khê, thô lậu xưa giờ thành món lịch sự, phù hợp ngay cả với các cô nương quen ăn nhỏ nhẻ.

Tôi dân rau má ảnh 3

Rau má mỡ được trồng để làm thảm xanh và trang trí ở một khu nghỉ dưỡng Phú Quốc. Ảnh: Lê Xuân Sơn.

Tôi dân rau má ảnh 4

Nhưng rau má không chỉ có món ăn sống với sinh tố. Canh rau má nấu thịt nạc thật là món ngọt mát đến vô chừng. Rau má phơi khô nấu nước uống cũng ngon và nếu cần thì cũng vẫn nấu canh được, phải cái hơi dai.

Nghe nói còn có bánh rau má, nhưng tiếc là tôi chưa được ăn. Rồi trà rau má, thạch rau má – món mà Hoa hậu Đỗ Thị Hà mang theo sang tận Puerto Rico bên kia bán cầu mời các mỹ nhân năm châu ăn thử ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới…

Ở Thanh Hóa còn có nhà máy sản xuất bột rau má dùng để bồi bổ sức khoẻ, đặc biệt là cho các bà các cô uống cho đẹp da, nhuận sắc. Món này giá trị gia tăng rất cao, nghe nói xuất Nhật giá đến 6 triệu đồng một cân. Nói đến đây, phải nhấn mạnh rau má là một vị thuốc mà dân gian đã công nhận và tôi đã trực tiếp kiểm nghiệm công dụng phi phàm của nó.

Số là khi có mang cháu đầu tiên, vợ tôi bị sốt. Không dám dùng thuốc Tây sợ ảnh hưởng đến con, thị chỉ đạo tôi ra chợ mua ba loại rau hạ sốt dân gian là má, diếp cá và ngải cứu về xay cho thị uống rền cho đến khi hết sốt. Điều mà tôi kinh ngạc nhận thấy là hết đợt uống đó, bao nhiêu đầu mụn do thai kỳ từng có trên gương mặt của thị đều bay biến cả.

Nghĩa là hiện tượng mà dân gian cho là “phá ra do bị nhiệt” đã được giải quyết triệt để. Kể từ đó, áp dụng thêm các biện pháp dưỡng, da của thị láng mát sau mấy chục năm cho đến tận bây giờ.

*

Xảy ra với tôi một điều kỳ lạ tôi không giải thích được liên quan đến rau má.

Có một bài thơ về rau má tôi thường đọc. Đó không phải là câu thơ hào sảng nhất về rau má từng được viết ra: “Nhổ cây rau má cổng làng/ Mà lay động tận tàn vàng, lọng vua”. Lại càng không phải là bài ước cái lá rau má to bằng cái lá sen, hay “làm công nghiệp hoá/ là phá đường tàu” như những người thích trêu cợt xứ Thanh hay đọc.

Đó là bài thơ “Rau má”:

Mới nghe em chớ vội cười

Cây rau má, sâm của người xứ Thanh

Miền quê bão lụt nắng hanh

Vươn lên để sống chỉ nhành má thôi

Cứ xanh rười rượi với đời

Cứ chia sẻ tất cho người cháo rau

Dù ai lận đận nơi đâu

Dù ai sống giữa nhà lầu

xe hơi

Riêng vị rau má em ơi

Vẫn còn ngai ngái trong người xứ Thanh

Bao giờ em về quê anh

Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa

Vĩ nhân và các đời vua

Cũng từ rau má ốc cua

nên người

Mới nghe em chớ vội cười

Cây rau má, sâm của người xứ Thanh

Đi các nơi gặp đồng hương, nhân nói chuyện quê nhà, tôi hay hỏi họ có biết bài thơ Rau má không, nếu không biết, tôi sẽ đọc cho nghe.

Ở các cuộc thù tạc, mỗi khi có ai trêu cợt dân rau má, tôi đều đáp lễ bằng cách đọc bài thơ này. Nói chung thì mọi người tiếp tục cười, nhưng cũng không ít người bỗng lặng đi, mặt nghiêm lại khi nghe đến những câu: “Bao giờ em về quê anh/ Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa/ Vĩ nhân và các đời vua/ Cũng từ rau má ốc cua nên người”.

Tôi nghĩ đó là những người sâu sắc.

Tác giả của bài thơ được toàn thể người xứ Thanh nếu đã biết đều yêu kia là nhà thơ Trịnh Anh Đạt, một người quê ở Đò Lèn, Hà Trung, Thanh Hóa. Ông sống một thời gian dài ở Hải Phòng rồi sang Mỹ định cư cùng gia đình.

Tôi dân rau má ảnh 5

Nhà thơ Trịnh Anh Đạt

Tối ngày 20/4/2020, nhà tôi có việc ăn tối rất muộn. Cỡ 9h tối, tôi mới ra bàn ăn, thấy trên bàn có rổ rau má, không hiểu sao tôi lại bê nó ra chỗ đèn sáng nhất chụp. Rồi bày rau ra đĩa chụp. Rồi bảo đứa con mới hơn 5 tuổi giơ cái gốc rau má có hoa lên cho bố chụp.

Chả hiểu sao tôi lại làm vậy. Là người Thanh Hóa, với tôi, rau má đâu có lạ gì, từ bé đến giờ.

Trưa hôm sau, đọc Facebook của nhà thơ Lê Quang Sinh, tôi giật mình khi anh viết: “…nhà thơ Trịnh Anh Đạt – người con của Thanh Hóa, tác giả bài thơ Rau má nổi tiếng vừa từ trần lúc 21h, ngày 20/4/2020 tại Hoa Kỳ”.

Tôi dân rau má ảnh 6
Mộ nhà thơ Trịnh Anh Đạt ở San Mateo, California, Mỹ trên có một khóm rau má

Như đã nói, tôi là người sử dụng bài Rau má với tần suất rất cao, có thể là cao nhất, dù chưa một lần diện kiến tác giả của nó.

Vì sao tôi lại vô cớ loay hoay với rổ rau má suốt 20 phút lúc 21h tối hôm 20/4 ấy, thời điểm tác giả bài thơ mà tôi yêu thích ra đi ở tận bên kia bán cầu?

Không lẽ chuyện linh ứng là có thật?

Tin liên quan