Tổ chức lễ hội Tín ngưỡng dân gian: Tránh dung tục hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lễ hội phồn thực là một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo, là tín ngưỡng thể hiện ước vọng về sự sinh sôi nảy nở, vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ của người Việt từ xa xưa. Những sinh thực khí, nghi lễ mật vốn là bản sắc của lễ hội phồn thực gần đây bị "buộc tội" phản cảm một cách khá oan ức.

Tôn trọng tín ngưỡng dân gian

PGS TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khẳng định, tín ngưỡng phồn thực ăn sâu vào tiềm thức cư dân nông nghiệp, không mang bất cứ biểu hiện gì trần tục thô thiển.

"Mong muốn sinh con đẻ cái, nối dõi giống nòi của con người khiến những tín ngưỡng dân gian liên quan đến âm dương, phồn thực, sinh thực khí được phổ biến từ thuở xã hội chưa phân giai cấp”, PGS TS Nguyễn Văn Huy lý giải.

"Việc thực hiện các nghi thức văn hóa, lễ hội cần trải qua sự nghiên cứu để lược bỏ những yếu tố không phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa, pháp luật hiện nay”. TS Đặng Vũ Cảnh Linh

Tín ngưỡng phồn thực phổ biến ở nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc khác nhau thể hiện niềm tin sinh thực khí khác nhau. Phía Bắc nước ta có hai lễ hội phồn thực được biết đến nhiều nhất là Linh tinh tình phộc (Trò trám, Phú Thọ), lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn). "Lễ hội phồn thực đương diễn ra ở nông thôn là sinh hoạt văn hóa bình thường. Đó là niềm tin có căn nguyên từ xa xưa. Các dân tộc khác nhau đều giữ gìn, thực hành văn hóa kiểu như vậy", PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên khẳng định, lễ hội phồn thực là hoạt động văn hóa có ý nghĩa. “Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, nhưng từ thời phong kiến cho đến nay, người dân vẫn giữ gìn được bản sắc của lễ hội. Điều đó chứng tỏ, lễ hội phồn thực có sức sống mãnh liệt. Nhà nước đã công nhận di sản văn hoá với một số lễ hội phồn thực như lễ hội Trò trám ở Phú Thọ”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho biết.

Tổ chức lễ hội Tín ngưỡng dân gian: Tránh dung tục hóa ảnh 1

Nghi lễ trong lễ hội Trò Trám mang theo ước vọng về sự sinh sôi, mùa vụ bội thu. Ảnh: ĐINH HUY

Lễ hội Linh tinh tình phộc hay Trò trám mang đến bức tranh khá đầy đủ về tín ngưỡng phồn thực của các làng châu thổ Bắc bộ. Làng Danh Hựu, xã Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ) cũng có các hình thức biểu hiện khá độc đáo về tín ngưỡng phồn thực.

Trong ngày hội, làng thường làm 20 cặp nõ - nường bằng gỗ vuông và mo cau treo lên một cây tre, lấy lá chuối làm lọng, tế lễ rồi rung cây. Mọi người dự hội xông vào cướp nõ - nường, đem về nhà với niềm tin cây cối năm đó sẽ sai hoa, trĩu hạt. Ở một số ngôi làng, nghi lễ phồn thực và thờ sinh thực khí đã được cách điệu và nghệ thuật hóa. Tính giao nam nữ được thể hiện qua điệu múa hoặc trong hình thức trò diễn.

Tránh dung tục hoá

Một số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng bị đứt gãy trong một khoảng thời gian dài, tới khi được phục dựng nhiều khi không tránh khỏi bị sai lệch, xa rời giá trị cốt lõi, thậm chí dung tục hóa. Một số người làm văn hóa cơ sở lại muốn khêu gợi, nhấn mạnh các yếu tố đó thành biểu tượng thô kệch, phản cảm - thấy rõ nhất ở việc cố tình phóng to kích cỡ của tàng thinh (sinh thực khí nam ở Ná Nhèm) rồi nhuộm màu hồng.

Mỗi năm tàng thinh và mặt nguyệt của lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn) được làm mới. Từ năm 2012 - 2015, tàng thinh có kích thước to bằng khoảng cái phích. Nhưng từ năm 2016 đến nay tàng thinh to bất thường với cân nặng trên 50kg, dài khoảng 1m và được sơn màu hồng. Năm nay, tàng thinh tại Ná Nhèm được làm bằng gỗ nặng khoảng 60 kg, dài đến 1,3m.

Điều này gây ra cho lớp trẻ nhận thức không đầy đủ. PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, thực trạng này cần được nhìn nhận một cách sâu sắc.

“Chẳng hạn ở hội phết, người ta làm quả cầu to và một lỗ để thanh niên tranh nhau quả cầu đưa vào lỗ trong không gian thiêng. Lễ hội có thể đưa tín ngưỡng phồn thực vào các trò chơi nhưng phải giữ tính thiêng. Tính thiêng rất quan trọng, đó là yếu tố đảm bảo tín ngưỡng, tâm linh được gìn giữ một cách trong sáng. Chúng ta đừng lấy tư duy hiện đại để hiện đại hóa tín ngưỡng phồn thực, khiến nó trở nên thô kệch, phản cảm”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm.

Từ xưa cha ông ta tạo ra những biểu tượng tinh tế, mang đầy đủ ý nghĩa. Nhưng gần đây những hình ảnh rước sinh thực khí tràn lan trên mạng, khiến nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của các lễ hội, tín ngưỡng phồn thực. "Những hình ảnh rước sinh thực khí tràn lan trên mạng gần đây khó chấp nhận. Tôi cho rằng có yếu tố phản cảm trong đó, vì thế gây nên rất nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận công chúng, cư dân mạng đã nhìn nhận, đánh giá sai về lễ hội, ý nghĩa lễ hội mà ông cha muốn truyền tải. Vì thế việc thực hành các nghi thức lễ hội truyền thống phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt trong những lễ hội phồn thực", TS. Đặng Vũ Cảnh Linh nói.

Chuyên gia nghiên cứu văn hoá, TS. Trần Hữu Sơn bày tỏ sự băn khoăn về hình thức phục dựng của một số lễ hội phồn thực. “Các lễ hội phồn thực có tính phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Điều đáng nói là thời các cụ chỉ làm khí thực mang tính biểu tượng nhưng hiện nay lại được làm quá rõ ràng, cụ thể", TS Trần Hữu Sơn nêu.

Những nghi lễ tại lễ hội phồn thực như "tháo khoán" cho trai gái tự do yêu đương khi tắt đèn trong đêm hội, chợ tình... cần điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh xã hội, pháp luật hiện hành. Những hoạt động này bị coi là cổ vũ cho hành vi tự do tình dục, cổ vũ cho cái lối sống buông thả vô trách nhiệm. Văn hóa không bất biến, vì thế những yếu tố không phù hợp nên được đào thải khỏi những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

MỚI - NÓNG