Hồ Tịnh Tâm xứ Huế còn được gọi là Tịnh hồ, dưới thời vua Thiệu Trị là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần kinh (Thần kinh nhị thập cảnh).
Hồ Tịnh nguyên là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Thời vua Minh Mạng từng huy động tới 8.000 binh lính cải tạo nên hồ, biến nơi đây thành một Ngự uyển của Hoàng gia, đổi tên thành hồ Tịnh Tâm. Xung quanh các đảo và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu, trúc và các thứ hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen trắng.
![]() |
![]() |
Hồ Tịnh Tâm bất ngờ thay áo mới bằng giống sen trắng quý hiếm Ảnh: Ngọc Văn |
Ngày nay, hồ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị quản lý di tích hồ Tịnh Tâm phối hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp cho phục hồi một giống sen quý hiếm tưởng chừng bị mất giống.
Năm 2020, Huế xúc tiến cải tạo, chỉnh trang hồ Tịnh Tâm chuẩn bị phục vụ Festival Huế 2020. Nhân lần chỉnh trang này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tìm cách kết hợp phục hồi, trồng lại loài sen trắng cổ quý hiếm tại hồ Tịnh Tâm thay giống sen hồng "cao sản" thường thấy bấy nay.
Để đưa sen trắng cổ trở lại Tịnh hồ cùng những vùng cảnh quan nổi tiếng khác ở Huế, ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, đó là một quá trình dài cả chục năm trời.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Nhìn gần sen trắng hồ Tịnh Ảnh: Ngọc Văn |
Trước đó, vào năm 2008, ông Lê Công Sơn cùng nhiều cộng sự miệt mài nghiên cứu phục hồi giống cây cổ quý hiếm này bằng đề tài “Bảo tồn, phục hồi giống Sen trắng phục vụ tôn tạo cảnh quan ao hồ di tích Huế”.
Sau thời gian dài điền dã ngược xuôi để tìm kiếm giống, nghiên cứu, thử nghiệm, cùng với những tài liệu thu thập được, nhóm thực hiện đề tài của ông Sơn đã bước đầu phục hồi giống sen trắng quý hiếm từng một thời tồn tại ở các khu hồ Ngự triều Nguyễn.
Tuy nhiên, sau phục hồi thành công giống sen quý, việc nhân rộng giống thủy hoa quý hiếm rộng ra các ao hồ di tích Huế lại không hề đơn giản, do yếu tố môi trường nước thay đổi, bị ô nhiễm, sa bồi, tù đọng. Trong khi, cây sen trắng Huế lại rất kỵ môi trường nước tù túng dơ bẩn.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Một không gian xanh mướt nên thơ trữ tình, đúng nghĩa để du khách đến đây ngắm cảnh và "tịnh tâm" Ảnh: Ngọc Văn |
Phải đến năm 2018, trải qua nhiều lần trồng thất bại, cây sen trắng Huế mới thực sự cho thành quả mãn nhãn tại hồ Thái Dịch - Đại nội Huế. Để rồi 3 năm sau, giống sen trắng đài các này mới có thể được di thực ra những vùng thắng tích nổi tiếng khác của Huế như hồ Tịnh Tâm.
Lâu nay, có một chuyện về cây sen hồ Tịnh Tâm được người dân Huế lưu truyền rằng: Xưa kia sen hồ Tịnh được trồng không chỉ tạo cảnh quan mà còn để phục vụ ẩm thực cho nhà vua và hoàng cung. Cây hoa sen dù có bình thường đến mấy nhưng khi mọc ở hồ Tịnh Tâm cũng thành sen quý. Do kết cấu thổ nhưỡng ở tầng đáy khác biệt và giàu phù sa nên hạt sen hồ Tịnh thơm ngon, bổ dưỡng không đâu sánh bằng.
Trong cuốn “Chuyện khảo về Huế” (NXB Trẻ, 2000) khi kể về phần “Chè Sen hồ Tịnh”, nhà văn gốc Huế Trần Kiêm Đoàn đã trích lại đoạn viết của cụ Bửu Kế - một nhà văn, dịch giả, nhà Cố đô học người Huế nổi tiếng: “Khắp mặt hồ (Tịnh hồ) trồng sen, mỗi khi đến mùa đều rực rỡ như gấm dệt. Huế nổi tiếng về hạt sen vừa bở vừa thơm, nhưng phải nếm hạt sen Tịnh Tâm mới thưởng thức được cái mùi vị tuyệt vời của nó (Bửu Kế - Kinh Thành Huế)…”.
![]() |
![]() |
Du khách tìm đến với sen hồ Tịnh Tâm Ảnh: Ngọc Văn |
Có thể thấy, những gì mà các bậc tiền nhân hay những tao nhân mặc khách cảm nhận, đề cao phẩm hạng giống sen, hoa sen, hạt sen quý hồ Tịnh là không hề phi thực tế, không phải là chuyện văn chương thi phú giả tưởng mộng mơ hư ảo.
Bằng chứng là cách đây chưa lâu, hạt sen hồ Tịnh Tâm xứ Huế nức tiếng đã “vươn mình” lọt vào top các món ăn đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận…
![]() |
![]() |
Tinh khôi sen trắng xứ Huế Ảnh: Văn Đình Huy |
Có một thực tế, giống sen trắng Huế hiện trồng tại hồ Tịnh so với sen cao sản trước đây chỉ cho hoa nhỏ hơn, năng suất thấp, nếu không thực sự yêu quý sen cổ mà chỉ đơn thuần làm kinh tế sẽ không mấy ai mặn mà.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh bảo tồn tinh hoa văn hoá, cũng như công cuộc phục hồi những vốn quý hoa trái cổ xưa, việc gắn kết trở lại của sen trắng Huế với Tịnh hồ sẽ tạo nên những điều thú vị và vô giá.