Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa điểm nhấn đánh dấu mốc 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử diễn ra tối 28/2, tại Nhà hát Lớn, nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa điểm nhấn, kỷ niệm dấu mốc 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Chương trình do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện văn hóa ảnh 1

Tiết mục nghệ thuật "Huyền thoại Việt Nam bay lên" mở màn chương trình. Ảnh: NHẬT MINH.

Đến dự còn có Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành...

Phát biểu chỉ đạo chương trình Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Văn hóa dân tộc là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử.

Thủ tướng nêu, 80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2/1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng ta về văn hóa.

Suốt 80 năm qua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học”, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện văn hóa ảnh 2
Hình ảnh phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 được phát lại trong chương trình. Ảnh: NHẬT MINH.

“80 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách của con người Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

“Nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thẩm thấu sâu sắc vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện văn hóa ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo chương trình. Ảnh: NHẬT MINH.

Nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hoá, đầu tư thích đáng cả nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại, chủ động nâng cao sức đề kháng của nhân dân đối với các văn hoá phẩm độc hại.

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc: "80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương - bản Tuyên ngôn về văn hóa đầu tiên vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng, đồng thời tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện văn hóa ảnh 4
Các nghệ sĩ tham gia chương trình tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong suốt chặng đường 80 năm qua. Ảnh: NHẬT MINH.

Chương trình được chia thành 3 chương: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa và Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử gồm những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, với sự góp mặt của những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, ca sĩ Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng...

Hai ca khúc viết riêng cho chương trình là Ngọn đuốc soi đường (lời: NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh) và Văn hoá trường tồn cùng dân tộc (Trọng Đài).

MỚI - NÓNG