Theo dấu chân huyền thoại: Kiên trung nữ cựu tù Côn Đảo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Ni, 83 tuổi – cựu tù Côn Đảo sống một mình, không con cái. Bà vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Lúc chúng tôi đến, bà đang đọc một vài tờ báo giấy. “Nhớ hồi bị tổng nha uýnh, nó nói uýnh vì mày hổng có khai gì hết. Tao uýnh cho mày tuyệt giống nòi, sau này mày có lấy chồng cũng không sinh con được nữa”, bà Ni ngậm ngùi.

Chiều cuối tháng 3/2022, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Ni, trên đường Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngôi nhà bà Ni ở khá nhỏ, nằm phía sâu trong ngõ, hơi nóng bức do nắng chiếu vào cả buổi chiều. Lúc phóng viên báo Tiền Phong đến, bà Ni đang đọc dở tờ báo giấy. Nhà bà có khá nhiều sách báo. Bà bảo, phải nói chuyện “lẹ lẹ” vì bà còn chưa giặt đồ, nấu cơm.

Theo dấu chân huyền thoại: Kiên trung nữ cựu tù Côn Đảo ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Ni, cựu tù Côn Đảo. Ảnh: Trọng Tài

“Tôi tính giặt đồ nhưng thấy còn sớm nên đọc báo đấy”, bà Ni nói. Dù thế, bà vẫn trò chuyện với phóng viên Tiền Phong gần một tiếng. Chất giọng bà Ni khoẻ, nhớ đến từng chi tiết nhỏ, thỉnh thoảng bà cười khi nói một câu hài hước. Đôi lúc, bà xúc động, mắt rớm nước vì nhớ lại thời gian đau thương, mất mát trước đây.

Chết cũng mát ruột

Thưa bà, bà có thể kể về giai đoạn hoạt động cách mạng và những ký ức đau thương khi bị địch đưa ra Côn Đảo?

Tôi bị địch bắt, tù đày từ khoảng giữa năm 1971 đến khoảng tháng 3 năm 1974 thì được trao trả. Cũng có làm chút đỉnh thì nó bắt thôi (cười). Từ hồi Đồng Khởi những năm 1959 – 1960 là tôi tham gia rồi, làm giao liên, quân báo. Nó tìm bắt cũng nhiều lần lắm. Nhưng má tôi lo tiền, nó rượt hoài mà không được.

Về sau nó báo lên tới tổng nha (cảnh sát VNCH) để bắt. Đến năm 1966 thì bị lộ, tôi bỏ nhà ở Tiền Giang lên Sài Gòn, lập tiệm may, tiếp tục hoạt động. Qua Mậu Thân 1968, tôi bị lộ, phải chạy vòng vòng, kể cả tới bên Campuchia.

Sau này, nó bắt vô tổng nha, rồi được về 4 tháng sau đó nó bắt lại vì bị người ta khai ra. Trước tôi làm bộ bị đãng trí, nhưng nó bảo, con nhỏ này làm bộ. Nó điều tra không được, tôi bảo, giờ mấy ông có bỏ tù tôi chứ tôi không làm gì thì có gì mà khai.

Nó bắt tôi đi đày ở nhà lao Thủ Đức rồi Tân Hiệp. Người ta cũng hỏi thăm là tại sao lại bị bắt. Tôi nói trời ơi, tôi là dân, cũng có làm gì đâu mà vì đất nước mình bị chiến tranh, đế quốc cai trị thì nó muốn bắt là bắt. Tôi cũng chối, chứ làm cách mạng, ngay cả với cha mẹ mình nhiều khi cũng không nói thật được. Đến chừng lộ rồi, bị bắt thì chịu thôi (cười).

Ở nhà lao Tân Hiệp, có đứa tên Nghĩa, cũng ở trong tù như chị em nhưng lại làm tay sai cho trưởng trại. Chị em cứ ngồi trò chuyện là nó báo cho trưởng trại xuống đàn áp. Tôi nói với các chị em, phải trị nó chứ cứ để nó báo lên, rồi trưởng trại lại xuống đánh chị em là không được.

Tôi bảo nó, tao nói cho mày biết, mày cũng như chị em cùng ở tù, phải cùng thương nhau, cùng là phụ nữ, là người Việt Nam với nhau, cùng giống nòi, chị em ngồi nói chuyện, mày báo lên trưởng trại rằng chị em bàn đấu tranh. Mày phải bỏ tật láo toét, báo gian. Tao nói, cái đầu mày tao nắm tóc, giựt một cái, đập xuống đất là bể luôn… Rồi nó báo trưởng trại, sau vụ đó, nó đàn áp chị em, rồi sau khoảng nửa tháng đày tôi ra Côn Đảo.

Chuyến tôi bị đày ra Côn Đảo có 36 chị em, đi bằng trực thăng. Tôi nhớ là USA 11 hay 111 gì đó. Đi từ sân bay Tân Sơn Nhất. Nó đưa tôi vào phòng 6, Trại 2. Lúc đó sắp ký kết Hiệp định Paris nhưng nó vẫn đánh đập, hành hạ nhiều. Vào trại là nó bắt lăn tay, chụp hình. Nó kêu mình chiêu hàng, mình không chịu, nó gí, nó đánh đập dữ lắm.

Mỗi người trong tù được phát một cái lon để đựng nước uống, nó vào đánh thì mình tạt nước tiểu, đồ dơ. Mình tay không mà nó cũng sợ mình chứ. Sau đó nó dàn cả nửa sân trại 2, có cả mặt nạ, tầm vông, gậy gộc, gậy sắt các thứ. Nó vào mở cửa. Chúng tôi chống cự khoảng 2 tiếng đồng hồ. Từ 7h đến 9h sáng, nó mới gí được chúng tôi vô góc để bắt. Nó cầm cẳng, cầm tay lôi sởn cả đầu xuống đất, quần áo rách te tua, mặt mày chảy máu tùm lum. Chúng tôi bò lổm ngổm ở ngoài sân.

Theo dấu chân huyền thoại: Kiên trung nữ cựu tù Côn Đảo ảnh 2

"Tôi bảo, ở đây đã là địa ngục thứ 10, mình có chết thì cũng mát ruột, cũng như anh Nguyễn Văn Trỗi khi ra pháp trường anh cũng không sợ chết, hay như chị Võ Thị Sáu. Mình cứ tâm niệm, mình cứ nghĩ như thế", bà Nguyễn Thị Ni. Ảnh: Trọng Tài

Hồi bị bắt tôi 31 – 32 tuổi. Hai thằng nó buộc hai chân, hai tay tôi lại, bấm huyệt tôi xụi lơ, không nhúc nhích được. Nó còn chích điện nữa. Lần đầu đau tới hông còn la được, nhưng sau thì cứng người hết, không nói năng được gì nữa.

Nó bẻ tay, lăn tay chụp hình bằng được mới thôi. Xong rồi nó đưa lên phòng 3 để hỏi tên. Nếu không nói thì nó đánh. Mấy chị em cũng bảo, không biết chống cự được đến mức nào, tôi bảo, ở đây đã là địa ngục thứ 10, mình có chết thì cũng mát ruột, cũng như anh Nguyễn Văn Trỗi khi ra pháp trường anh cũng không sợ chết, hay như chị Võ Thị Sáu. Mình cứ tâm niệm, mình cứ nghĩ như thế.

Tôi lên trên, nó hỏi tên gì. Tôi chỉ vào danh sách, bảo đây là tên gì đây. Trơ trơ đây, hình đây. Tôi nói vậy nó không đánh nữa. Xong rồi nó nhốt hơn chục bữa, xong đem xe mở cửa đưa chúng tôi đi sang trại khác. Qua đó, chúng tôi gặp chị Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, các chị ở cùng quê. Các chị cũng chống lại, cũng không chịu lăn tay, chụp hình. Có người nhắm mắt, há họng, tóc xoã để chụp hình không đạt yêu cầu. Nó bắt 2 ngày mới xong phòng 13 – 16.

Tới phòng 16, nó quăng lựu đạn cay, mấy chị bị ngộp, không ai la được nữa. Ở phòng bên thấy vậy la hộ: "Đả đảo nhà cầm quyền, đàn áp chị em phụ nữ ở nhà tù Côn Đảo". Rồi mấy trại xung quanh cũng la nữa, muốn bể trại luôn. Nó bắt xong bên nữ rồi nó sang bên nam đánh “tơi bời khói lửa”. Sau trận đó, tôi còn nhớ là sau khoảng 10 ngày thì 3 chị hy sinh. Khi tôi được trao trả thì biết tin có 1 chị nữa hy sinh là 4 người. Mấy chị đấu tranh xin đi chôn, mang ra ngoài nghĩa trang ở khu C…

Vậy, bà rời khỏi ngục tù Côn Đảo như thế nào?

Tôi được trao trả. Đi ra Côn Đảo bằng máy bay, lúc về cũng bằng máy bay luôn. Có tên trong danh sách trao trả mà nó nhốt thêm một năm nữa nó mới trao trả. Thời điểm đó ký Hiệp định Paris rồi đó. Nên mình lại phải đấu tranh thêm nữa. Cứ đến tối, có một đồng đội nhỏ người leo lên cửa sổ, cuốn giấy làm loa rồi la to. Cứ 5h sáng và 7h tối là la to đòi nhà cầm quyền phải trao trả tù nhân đúng theo quy định của Hiệp định Paris. Thế mới hay, mình ở trong tù mà cũng biết Hiệp định Paris.

Cũng có 3 – 4 yêu sách như phải cấp thuốc men, quần áo; ăn cơm phải có rau xanh, thực phẩm… Nhưng nó không giải quyết, làm gì có rau. Tôi bứt cỏ rồi đập dập để trong lon uống nước, xé quần áo rồi nấu lấy nước uống, lấy cọng rau muống dưới nhà bếp nó bỏ, rồi rửa bỏ đất, đập dập, nấu rồi nuốt nước đó.

Tôi nói, nếu chậm 10 – 15 ngày nó không trao trả thì chắc tôi chết rồi. Mình mẩy sưng lên hết rồi. Tôi bị gan, bị kiết lỵ, cứ đi cầu mà dặn không ra. Mà mắc đi cầu hoài. Nó ra điều kiện phải đầu hàng, không chống nó nữa. Nhưng đến lúc trao trả rồi thì còn đầu hàng gì nữa. Nó nói đầu hàng thì phải ra chào cờ, chừng nào thả thì thả, nhưng mình đâu có chịu chào cờ, cứ ngồi ở đó thôi.

Sau khi được trao trả tôi chỉ còn 34 – 35 kg. Ốm lắm. Tôi về Hóc Môn, gặp mấy đứa nhỏ, đứa kêu bằng bà, đứa kêu bằng bác. Ốm nhom, già, mỏ nhọn hoắt, răng hô hốc. Má tôi lên thăm mà mấy chú mấy anh cán bộ hỏi “má má làm sao”. Tôi nói má chứ má sao? Hồi đó tôi cũng dốt không biết. Họ hỏi ý là má nuôi, má đẻ hay má ghẻ, má chồng? Hồi đó cũng không biết đường nói. Mà hồi đó tôi ốm, má tôi trẻ lắm, ngang ngang với tôi. Má tôi hơn 20 tuổi, mà coi mẹ con cứ như ngang nhau.

Bị đánh không sinh được con

Trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm, đau thương, vì sao bà lại ra Côn Đảo sinh sống đến tận bây giờ?

Mới đầu, tôi về lại Hóc Môn, được phân công cho trong Ban chấp hành Nông hội huyện, rồi sau phân công sang Ban thanh tra chính quyền. Tôi nói tôi dốt muốn chết mà phân công qua thanh tra chính quyền tôi đâu có nắm ý người dân phản ánh. Tôi xin đi học bổ túc văn hoá 2 năm, về xuống trại chăn nuôi, làm trại phó. Rồi sau em tôi hy sinh hết 3 đứa, tôi xin chuyển về Gò Công. Ba tôi mất hồi tháng 9/1975 rồi, còn mấy anh em đi hết. Má tôi già, bảo con xin về đây để đêm hôm có mẹ có con.

Tôi xin về làm phó Hội phụ nữ huyện Gò Công Đông. Sau giải phóng, tôi đi học trường phụ nữ Lê Thị Riêng ở trên Thủ Đức. Ông này nè (bà chỉ di ảnh trên tủ), học trường Nguyễn Ái Quốc. Mấy ông cũng ở Gò Công lên học cùng trường hỏi tôi sao lớn tuổi mà gia đình, con cái sao? Tôi nói sợ mấy người vũ phu, sợ bị mấy ông “đập chết”. Rồi mấy ông làm mai cho ông này đó (ông Tư – PV).

Ông ấy vợ mất, có đứa con chừng 4 – 5 tuổi. Làm mai, tuyên bố ở nhà tôi. Rồi học xong ổng dắt tôi ra đây thăm quan, coi lại nhà tù, thăm mấy ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương. Rồi ở đảo bảo cần có một người phụ nữ từng là cựu tù ở lại để làm nhân chứng, chứ họ về hết rồi, đâu có ai ở lại đảo. Chó ăn đá, gà ăn muối chứ có gì đâu.

Thời điểm gặp ông Tư là cuối năm 1983, đến tháng 6/1986 chúng tôi ra đây công tác, rồi về hưu, ở đến giờ luôn. Tại tôi cũng nhìn thấy mộ mấy chị thấy thương quá, nghĩ về rồi thì khó ra. Đảo xin tôi ở lại thì cũng nên ở lại, cũng là hợp lý.

Theo dấu chân huyền thoại: Kiên trung nữ cựu tù Côn Đảo ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Ni chụp ảnh cùng nhóm phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Nguyên Anh

Tôi sống với ổng 38 năm, không có con. Lúc gặp ông ấy tôi cũng đã bốn mấy tuổi rồi. Mà nhớ lại hồi bị tổng nha uýnh, nó bảo uýnh cho mày biết, là mày hổng có khai gì hết, là tao uýnh cho mày tuyệt giống nòi, sau này mày có lấy chồng cũng không sinh con được nữa. Tôi suy nghĩ là tuyệt giống nòi thì còn một mình tôi được rồi. Chớ nếu tôi khai người khác, tôi còn đẻ được, nhưng nó uýnh họ còn đau hơn mình nữa. Lúc nó châm điện thì dữ tợn lắm chứ đâu phải không đâu.

Tôi ở đây, cứ ngày lễ, ngày Tết là ra thăm các chị, mời các chị về ăn Tết. Thời còn khoẻ, cứ 3 – 5 ngày tôi lại ra một lần, nhưng giờ thì không đi nổi. Muốn đi phải có xe, xong chống gậy vào nghĩa trang. Tôi cũng nằm mơ thấy các chị hoài. Thấy chị em nói chuyện trong tù, vui vẻ lắm. Thấy lại lúc còn hai mấy tuổi, lúc còn trẻ. Tôi cũng thấy gặp cha mẹ tôi, em tôi lúc nhỏ, gặp cả gia đình tôi…Tôi cũng thấy gặp lại các chị ở nghĩa trang. Các chị không già gì cả, vẫn như lúc đôi mươi…

Giờ tôi ở một mình, cơm nước các thứ tự biên tự diễn, làm được hết. Cũng có đứa cháu bảo đón tôi vào đất liền, nhưng tôi ở đây quen rồi. Côn Đảo đã không còn như ngày xưa nữa. Ngày xưa có một bài hát, ông ấy đặt cho tôi. Để tôi hát cho mấy chú nghe nhé, chịu không? Bài hát ổng viết cho tôi, tôi thuộc lòng rồi. Ông viết năm 1982, 40 năm rồi.

Ông mất hôm mùng 4 Tết, 2 năm rồi. Hôm đó tôi nằm ghế, ổng nằm ở trong buồng. Tôi thấy ổng kêu lên mấy tiếng, tôi lật đật đến hỏi: Gì vậy ông Tư, thì ổng không trả lời. Tôi chạy vô thấy hai mắt ổng đứng tròng rồi, ngực không nhảy, mạch không chạy nữa. Trước khi đi, đồ đạc ông sắp đặt đàng hoàng, vuốt ngay thẳng, kỹ lắm. Ổng cũng quét từ trong ra ngoài sạch sẽ, giấy tờ ngăn nắp gọn gàng, không có mất gì hết…

Trước đây, nguỵ xây Côn Đảo là nhà tù, giờ Côn Đảo là một bàn thờ linh thiêng của Tổ Quốc, theo lời ông Lê Duẩn nói khi ra đây năm 1976. Bao nhiêu người chết nằm ở nghĩa trang Hàng Dương. Bao nhiêu người trong nhà tù bị đập chết, giết chết nằm ở nghĩa trang Hàng Dương. Bây giờ ta phải ráng giữ di tích lịch sử của Côn Đảo này để con cháu đời mai sau nhớ là ông cha ta phải chết nằm đây thì đất nước mới được xây dựng như ngày nay.

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.