THẾ GIỚI 24H: Công dân Australian cố tình trở về từ Ấn Độ có thể bị phạt tù 5 năm

0:00 / 0:00
0:00
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Sydney, Australia,
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Sydney, Australia,
TPO - Bắt đầu từ ngày 3/5, những hành khách từng lưu trú Ấn Độ trong khoảng thời gian 14 ngày trở về trước sẽ không được phép nhập cảnh vào Australia dưới bất kỳ hình thức nào.

Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 51.000 USD, hoặc 5 năm tù, hoặc tổng hợp cả hai hình phạt. Đó là thông tin được Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đưa ra ngày 1/5. Khi đại dịch COVID-19 lây lan mạnh tại Ấn Độ, với số ca nhiễm mới trong ngày 1/5 vượt 400.000 ca, giới chức Australia lo ngại hệ thống cách ly của nước này sẽ phải gánh thêm nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 về nước.

Ngày 2/5, cảnh sát Bỉ đã phải dùng tới vòi rồng và đạn hơi cay để giải tán hàng trăm người tụ tập ở một công viên tại thủ đô Brussels phản đối các quy định về phong tỏa. Bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Alexander de Croo về việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19, cuộc biểu tình vẫn diễn ra, buộc hàng trăm cảnh sát phải triển khai tới công viên Bois de la Cambre để kiểm soát tình hình. Cảnh sát phải huy động cả trực thăng và thiết bị bay không người lái để giám sát tình hình, cũng như liên tục nhắc nhở đám đông về việc đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội.

Durres - cảng chính của Albania trong tuần này đã tiếp nhận lượng lớn container và xe tải hạng nặng trước cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo giới chức Mỹ, hoạt động tập trung các phương tiện quân sự này là chưa từng thấy ở quốc gia Adriatic kể từ Thế chiến 2. Khoảng 700 đơn vị thiết bị của Nhóm tác chiến Lữ đoàn bộ binh số 53 thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Florida đã được dỡ xuống từ tàu vận tải USNS Bob Hope tại cảng Durres. Những thiết bị này sẽ được sử dụng trong các hoạt động huấn luyện kéo dài 2 tuần với sự tham gia của 6.000 binh sỹ Mỹ tại 6 căn cứ quân sự của Albania.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 12.000 ca tử vong và trên 780.000 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh vượt 3,2 triệu người.Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 152.775.253 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.205.333 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 781.236 và 12.230 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 130.692.972 người, 18.813.969 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.026 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận gần 400.000 ca nhiễm mới. Trước đó, trong ngày 1/5, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới vượt ngưỡng 400.000 ca mắc COVID-19 trong một ngày, với 401.993 ca nhiễm mới. Hiện các bệnh viện ở Delhi đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng và thậm chí nhiều người phải lên mạng xã hội để tìm kiếm nguồn cung oxy y tế. Nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian qua sau khi oxy cạn kiệt ở một số bệnh viện. Số ca tử vong gia tăng hằng ngày đã gây ra tình trạng quá tải cho các lò hỏa táng trên khắp thành phố.

Ngày 1/5, Đại diện thường trực của Nga tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - ông Mikhail Ulyanov đã thông báo tiến trình đàm phán không chính thức với Iran và Mỹ nhằm đưa 2 nước này quay trở lại tuân thủ đầy đủ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) sẽ được nối lại vào ngày 7/5 tới.Trước đó vào ngày 27/4, giới chức các nước Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã tiến hành vòng đàm phán thứ ba tại thủ đô Vienna của Áo nhằm thống nhất các bước đi cần thiết để có thể “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran. Hiện tại, các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được nhiều tiến bộ, song vẫn tồn tại nhiều bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran.

Ngày 1/5, Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã triệu tập đại sứ Nga để phản đối về các lệnh trừng phạt mới của Moscow đối với 8 quan chức của Liên minh châu Âu (EU) vừa qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển Mats Saumelsson cho biết, không giống như các lệnh trừng phạt khác, lệnh trừng phạt nhằm vào 8 quan chức Liên minh châu Âu của Nga lần này “tùy tiện, không rõ ràng về mặt pháp lý và là biểu hiện của động cơ chính trị”.

Ngày 1/5 một số vụ nổ bom đã xảy ra tại các khu vực xung quanh Yangon, thành phố lớn nhất cùa Myanmar và cũng là nơi phong trào biểu tình chống chính phủ quân sự diễn ra dữ dội nhất từ 1/2 đến nay. Tại thị trấn Insein thuộc Yangon, một quả bom đã phát nổ vào lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương), gần một trường học. Hai vụ nổ bom khác đã xảy ra ở thị trấn Yankin vào buổi chiều. Trong khi đó, hàng loạt cuộc biểu tình chớp nhoáng đã diễn ra tại Yangon. Những người biểu tình tụ tập trong thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng tản ra nhiều địa điểm khác nhau, nhằm tránh sự vây bắt của cảnh sát và quân đội.

Ngày 1/5, Kyrgyzstan cáo buộc Tajikistan nã súng vào các khu vực dân sự và vi phạm lệnh ngừng bắn giữa hai bên.Kyrgyzstan và Tajikistan đã nhất trí ngừng bắn hoàn toàn từ 20h ngày 29/4 (giờ địa phương), chỉ vài giờ sau khi xảy ra các vụ giao tranh ác liệt giữa lực lượng hai bên tại khu vực biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, ngày 1/5, Ủy ban An ninh Quốc gia Kyrgyzstan cho biết quân đội nước láng giềng đã "nã súng vào những ngôi nhà" tại quận Leilik thuộc khu vực Tây Nam Batken của nước này, giáp biên giới Tajikistan. Dân làng đã được sơ tán khỏi nhà trước khi xảy ra vụ bắn phá.

Theo Globaltimes, giới chức tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 1/5 thông báo đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và 102 người bị thương sau khi giông bão quét qua một khu vực rộng lớn của địa phương này vào tối ngày trước đó. Theo Cơ quan xử lý tình huống khẩn cấp tỉnh Giang Tô, giông bão đã quét qua nhiều thành phố đông dân của tỉnh này, trong đó có thành phố cảng Nam Thông - nơi có 8 triệu dân sinh sống. Do ảnh hưởng của giông bão, khoảng 3.050 người đã phải sơ tán.

MỚI - NÓNG