Tháo gỡ điểm nghẽn cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong bối cảnh “khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội”, Chính phủ đã thể hiện tinh thần hành động “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Sửa ngay quy định làm khó doanh nghiệp

Những ngày cuối tháng 8, các hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản “trút” được nỗi lo khi Ngân hàng Nhà nước quyết định ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 06. Việc này được thực hiện sau khi Thủ tướng có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau.

Tháo gỡ điểm nghẽn cho tăng trưởng ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ (TPHCM)

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn, việc Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023 bổ sung thêm nhiều quy định cấm cho vay, đã tạo ra các “nút thắt”, gây thêm khó khăn cho thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp cho rằng, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ vướng mắc này chính là thể hiện tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách thực chất.

Thực tế, từ năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều dự án bất động sản tại các địa phương không thể thực hiện do bất cập về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng bị siết, phát hành trái phiếu khó khăn, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Tháo gỡ điểm nghẽn cho tăng trưởng ảnh 2

Thủ tướng kiểm tra dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: PV

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường Bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trước đó, Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Đây là một quyết sách kịp thời, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc khơi thông các điểm nghẽn về quy trình, thủ tục hành chính trong việc thực hiện các dự án bất động sản. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành như một “nguồn oxy” đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đến đà phát triển của quốc gia, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và an sinh xã hội.

Siết chặt kỷ luật, rõ việc, rõ trách nhiệm

Qúy I/2023, kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn khi GDP chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này chỉ cao hơn năm 2020 - thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Đáng chú ý, rất nhiều địa phương tăng trưởng âm, trong đó “đầu tàu” kinh tế TPHCM tăng trưởng chỉ đạt 0,7%, xếp thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đánh giá, ngoài nguyên nhân khách quan, tăng trưởng kinh tế chậm còn bắt nguồn từ những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời. Thậm chí có trường hợp trả lời, hướng dẫn chung chung, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất những vấn đề cần được giải quyết.

Đứng trước thực tế này, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Thủ tướng cũng quyết định phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung, khẩn trương rà soát các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành đã được gửi đến các bộ, cơ quan và chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời hạn quy định, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài.

Để hoạt động của các tổ công tác hiệu quả, Thủ tướng liên tiếp có các công điện yêu cầu báo cáo cụ thể những kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành chưa được các bộ, cơ quan giải quyết. Ông yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ xác định việc giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời kịp thời, đúng hạn các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là tiêu chí quan trọng trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức. Nhờ đó, tình trạng chậm trễ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương, của doanh nghiệp và người dân đã có những chuyển biến tích cực.

Sau các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 7/2023, các bộ, cơ quan liên quan đã giải quyết 769/1.038 kiến nghị. Một số bộ, cơ quan đã giải quyết, trả lời 100% số kiến nghị, đề xuất nhận được, như: Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Nhiều các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh đã được tháo gỡ. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị cũng dần được nâng cao. Nhiều cán bộ, công chức đã “vượt qua” sự e dè, sợ sai để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Điều này, giúp sản xuất kinh doanh nói riêng và kinh tế, xã hội của cả nước nói chung có những chuyển động tích cực. Trong quý II xuất hiện nhiều điểm sáng về kinh tế; các đầu tàu về sản xuất công nghiệp như TP.HCM, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… đã tăng trưởng trở lại.

Theo đánh giá, một trong những bài học dẫn đến kết quả trên là sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, như siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tích cực lắng nghe và tập trung, quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó đề cao tinh thần nỗ lực, tự lực, tự cường, “không nói không”, “không nói khó”, “không nói có mà không làm” và khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

MỚI - NÓNG
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
TPO - Nam sinh Trường THPT chuyên Lào Cai Đặng Duy Khánh thể hiện phong độ thi đấu xuất sắc, liên tục dẫn đầu trong các phần thi và giành chiến thắng cách biệt so với ba người cùng chơi trong trận tháng đầu tiên quý III Đường lên đỉnh Olympia 24. Cùng với vòng nguyệt quế tháng, Khánh đã ghi tên vào trận thi quý III.