Thăng trầm của đại phong cầm nặng 9 tấn, cao 7m vừa tới Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cây đại phong cầm (pipe organ) nặng 9 tấn, cao 7m, rộng 6,5m, dày 4m được sản xuất bởi một công ty của Bỉ, vừa từ Nhật Bản chuyển tới Việt Nam khiến biết bao người trầm trồ.

Xứng tầm với trung tâm văn hoá, tôn giáo thủ đô

Vào những ngày vọng Giáng sinh, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với linh mục An tôn Nguyễn Văn Thắng, Chính xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội. Dù thời tiết mưa, lạnh, song linh mục An tôn vẫn nở nụ cười vui vì thánh đường, nơi người coi sóc vừa tiếp nhận cây đại phong cầm (quản cầm) từ Nhật Bản.

Linh mục An tôn chỉ vào cây đàn cho biết, cây đại quản cầm này được sản xuất năm 1993, tại Trung tâm Sun City Hall, thành phố Itami, tỉnh Hyogo (Nhật Bản), dành cho người cao tuổi. Cây đàn là kết quả cuộc giao lưu văn hóa giữa 2 thành phố Itami (Nhật Bản) và Hansen (Bỉ).

Cây đàn được chế tác bởi bàn tay nghệ nhân sản xuất nhạc cụ người Bỉ - Guido Schumacher, với 1.696 ống. Cây đàn có chiều cao 7m, rộng 6,5m, dày 4m và nặng 9 tấn. Chất liệu từng bộ phận của cây đàn được lựa chọn cho phù hợp với khí hậu ở Itami nói riêng cũng như khu vực châu Á nói chung. Cây đàn được thành phố Itami mua lúc bấy giờ với giá 70 triệu Yên tương đương khoảng 17 tỷ đồng Việt Nam.

Theo linh mục An tôn, cây đại quản cầm này đã trải qua trận động đất Kobe vào năm 1995 nên đã bị hư hại nhiều. Hội người cao tuổi thành phố Itami cũng có ý định trùng tu lại cây đàn. Năm 2018, một công ty tại Nhật đã sửa chữa lại những phần bị hư hỏng, nhưng âm thanh của cây đàn không còn chuẩn như đánh giá của công ty sản xuất ra nó (Công ty Schumacher). Sau đó, hãng Schumacher có đề nghị việc phục dựng lại cây đàn.

Tuy nhiên để phục dựng lại cây đại quản cầm này phải chi phí khoảng 250.000 Euro nên Hội người cao tuổi ở thành phố Itami không đáp ứng được. Theo thời gian, chi phí bảo trì và sửa chữa cây đàn này quá cao, vượt ngân sách dành cho các chương trình phúc lợi của người cao tuổi.

Chính vì thế, toà thị chính thành phố Itami có ý định thanh lý và muốn tặng cây đàn cho một nhà thờ Công giáo. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thờ Công giáo ở Nhật đều nhỏ và thấp nên không tương xứng với cây đàn này.

Tình cờ, ông Chikara Maruyama (75 tuổi), chuyên gia sửa đàn Piano biết được câu chuyện này đã liên hệ với thành phố đề nghị giúp đỡ. Ông gửi email cho 100 cơ sở, trong đó có các nhà thờ nhưng vẫn không nhận được câu trả lời mong muốn. Không nản chí, Maruyama sử dụng Google Maps để tìm những nhà thờ có kiến trúc phù hợp với loại đàn này trên khắp thế giới và ông tìm thấy điều mình muốn ở Việt Nam, nơi có những nhà thờ Công giáo được xây dựng theo kiến trúc Gothic.

Biết được thông tin này, linh mục Phê rô Phạm Hoàng Trinh đang mục vụ tại Oita (Nhật Bản) đã đề nghị tặng cho một nhà thờ tại Việt Nam. Linh mục Phê rô chia sẻ, đây là duyên, tình cờ khi đi dâng lễ cho các em người Việt Nam tại Giáo xứ Tetorit ở thành phố Sumato (Nhật Bản) và tình cờ gặp Chikara Maruyama chuyên gia sửa đàn Piano. Ông có nói chuyện với tôi về thành phố Itami có cây đại phong cầm Pipe Piano vì nhiều lý do không dùng nữa đồng thời hỏi bên Việt Nam có nhà thờ nào muốn nhận cây đàn này về sử dụng?

Ông cũng cho tôi website về thành phố. Và tôi về mở ra và thấy đó là 1 cây đàn thật tuyệt vời, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy. “Sau đó, tôi xem và chụp lại cây đàn đăng trên Facebook được 7 nhà thờ chính tòa, 3 dòng tu quan tâm. Sau khi suy xét, Nhà thờ Chính tòa Hà Nội mang kiến trúc Gothic, ở thủ đô là trung tâm văn hóa, tôn giáo, nên Tòa thị chính Itami đã quyết định tặng cây đàn cho nhà thờ này”, linh mục Phê rô nói.

Sau đó, linh mục An tôn và Phê rô cùng tìm công ty sản xuất cây đàn nhờ họ giúp đỡ việc tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt. Sau nhiều nỗ lực, hai linh mục đã liên lạc được với Công ty Schumacher, hãng sản xuất ra cây đàn này. Ông Giám đốc Schumacher đã tỏ ra vui mừng, sẵn sàng cộng tác tháo dỡ cây đàn từ Itami đưa về lắp đặt tại thủ đô Hà Nội.

Thăng trầm của đại phong cầm nặng 9 tấn, cao 7m vừa tới Việt Nam ảnh 1

Linh mục nhà thờ Chính tòa Hà Nội An tôn Nguyễn Văn Thắng giới thiệu về cây đàn Ảnh: M.Đ

Tất cả các linh, phụ kiện của cây đàn đều được tháo dỡ cẩn trọng, xếp vào các thùng gỗ đóng lại đưa lên container rồi chuyển về Việt Nam. Cây đàn cập cảng Hải Phòng và làm thủ tục thông quan ngày 19/7/2022. Tối 21/7, chiếc container chở cây đại phong cầm về tới Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Khi cây đàn chuyển về tới Nhà thờ Lớn Hà Nội, hãng Schumacher đã làm sạch toàn bộ bề mặt và làm mới 300 chiếc ống. Chi phí tháo gỡ, trùng tu đều do Nhà thờ Chính tòa Hà Nội chi trả với khoảng 200.000 Euro.

Cất lên những bản nhạc bất hủ

Trò chuyện với chúng tôi, linh mục An tôn Nguyễn Văn Thắng cho biết, tối 23/11/2022, Nhà thờ Chính tòa Hà Nội đã tổ chức buổi hòa nhạc “Đàn ca kính Chúa” chúc mừng Công nghị Tổng giáo phận và khánh thành cây đại phong cầm.

Buổi hòa nhạc có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục (TGM) Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên cùng quý tu sĩ, đại biểu và cộng đoàn dân Chúa.

Bên cạnh đó, có sự tham dự của ngài Yasuyuki Fujiwara - Thị trưởng thành phố Itami, Nhật Bản; Linh mục Phê rô Phạm Hoàng Trinh - Tuyên úy người Việt tại Nhật Bản; ông Guido Schumacher - Giám đốc công ty sản xuất đàn; ông Ferdy Simon - Kỹ sư âm thanh đàn ống cùng quan chức địa phương.

Đại phong cầm hay pipe organ là loại đàn có kích thước lớn, tạo ra âm thanh bằng cách điều khiển khí có áp lực (gió), qua các đường ống được lựa chọn qua bàn phím. Nhạc cụ này thường được dùng trong nhà thờ, nhà hát, phòng hội nghị - những nơi có không gian lớn, trần nhà cao.

Đại phong cầm là một trong những nhạc cụ cổ nhất của châu Âu cho đến nay. Tiền thân của chiếc đàn này được tạo ra từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, tại Hy Lạp cổ đại. Nơi thường vang lên tiếng đại phong cầm hẳn nhiên là các nhà thờ và thánh đường của Thiên Chúa. Thời kỳ Baroque (1600 - 1700) là quãng thời gian rực rỡ nhất của loại nhạc cụ này.

Tại đây, Gustaf Trần Văn Luân - nghệ sĩ Organ chơi bản Toccata cổ điển trên cây đại phong cầm như một lời chào gửi các vị khách quý, quý cộng đoàn.

Tại buổi hòa nhạc, linh mục An tôn cho biết, “khi cây đàn cũ đã hư hại và dỡ bỏ, thay vào đó bằng cây đại quản cầm này. Cây đàn về đây sẽ độc tấu những bản thánh ca, thánh nhạc, giúp tín hữu cầu nguyện sốt sắng hơn trong thánh lễ và các buổi hòa nhạc. Để đưa được cây đàn về đây là phép lạ. Đây là niềm vui của Giáo xứ Chính tòa nói riêng và của Tổng giáo phận Hà Nội nói chung”, linh mục An tôn nói.

Mỗi ống đàn như một tín đồ

Tại buổi hòa nhạc, ông Guido Schumacher, Giám đốc hãng Schumacher bày tỏ niềm vui từ góc nhìn của những người chế tạo cây đàn khi chứng kiến cây đại phong cầm được lắp đặt vừa vặn và hoàn hảo tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Thăng trầm của đại phong cầm nặng 9 tấn, cao 7m vừa tới Việt Nam ảnh 2

Ông Guido Schumacher – Giám đốc công ty sản xuất đàn. Ảnh: T.L

Ông Schumacher giải thích cấu tạo đặc biệt của cây đại phong cầm với hàng nghìn giờ làm việc để hoàn thiện. Người nghệ sĩ khi sử dụng cây đàn này như đang chỉ huy dàn nhạc với 27 nhạc công khác nhau. Ông nhấn mạnh, cây đàn như một biểu tượng của Kitô giáo. Mỗi ống đàn khác nhau giống từng tín hữu trong Giáo hội.

Tuy khác nhau về cấu tạo song tất cả cùng nhau tấu lên những âm thanh tuyệt diệu. Ông Schumacher chỉ ra cho cộng đoàn rằng cây đàn có một vị trí quan trọng trong đời sống Công giáo. Cây đàn đồng hành trong mọi biến cố cuộc đời từ khi rửa tội, lễ cưới và cả lễ an táng.

Cây đàn cũng là biểu tượng của tình bạn quốc tế và trao đổi văn hóa. Ông hy vọng cây đại phong cầm sẽ là biểu tượng của tình bạn và điểm sáng trong quan hệ của Việt Nam và Bỉ. Ông Guido Schumacher cũng gửi đến cộng đoàn một bản nhạc sâu lắng.

Chúng tôi đã làm mới khoảng 300 chiếc ống đàn. Tôi rất vui khi đến nay lắp đặt và chỉnh âm thanh cho cây đàn. Tôi hy vọng, cây đàn ống này sẽ phục vụ tốt cho ngôi thánh đường tuyệt đẹp này. Với việc nâng đỡ lời ca tiếng hát phục vụ các thánh lễ, các buổi hòa nhạc. Nhờ đó, mọi người tìm đến được sự bình an để hướng lòng lên với Chúa. Và tạo nên mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, Ông Fedy Simon cho hay.

Kỹ sư Fedy Simon chia sẻ: “tôi là người của công ty sản xuất ra cây đàn này, tôi đã lắp đặt nó ở Itami và bây giờ tôi rất hân hạnh một lần nữa được lắp đặt nó khi vận chuyển tới đây. Do bị ảnh hưởng bởi động đất, một số ống đã bị dập gãy, chính vì thế phải sửa lại nó".

Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên hy vọng, cây đàn sẽ là cây cầu kết nối giữa hai thành phố Itami và Hà Nội, hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản, là bằng chứng cho tình hữu hảo đáng quý. Đức Tổng Giuse cũng có món quà kỷ niệm để gửi tặng các vị quan chức Nhật Bản.

“Chương trình hòa nhạc đàn ca kính Chúa được diễn ra trong bầu khí linh thiêng với các tiết mục hợp xướng, độc tấu Organ và tứ tấu Kèn gỗ do các ca đoàn và các nghệ sĩ thể hiện. Lời tạ ơn Thiên Chúa được vang lên qua lời ca tiếng đàn, là khúc tri ân ơn lành Thiên Chúa ban cho Tổng Giáo phận nói chung, giáo xứ Chính tòa nói riêng và đặc biệt là Công nghị của Tổng Giáo phận”.

MỚI - NÓNG