Thăm 'địa chỉ Đỏ' ở TP Hồ Chí Minh dịp lễ 30/4

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, TPHCM tiếp tục chuỗi ngày nắng nóng, người yêu thích du lịch, khám phá thành phố dịp này có thể tham quan những “địa chỉ Đỏ” tìm hiểu các giá trị truyền thống cách mạng, vừa trốn nóng, tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành.

Dinh Thống Nhất (quận 1)

Trước năm 1975, Dinh thự này là nơi ở và làm việc của Tổng thống Chính quyền Việt Nam Cộng hòa nên còn được gọi là Dinh Tổng thống. Ngày 30/4/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh và trung úy Bùi Quang Thận đã kéo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc toà nhà, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 30 năm, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Dinh Thống Nhất đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và được xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam vào ngày 12/8/2009. Ngày nay, Dinh Thống Nhất là một trong những địa điểm du lịch không thể thiếu của mỗi du khách khi tới thăm TPHCM. Không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, Dinh Thống Nhất còn có kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam những năm đầu thập niên 60. Hiện nay, Dinh Thống Nhất là nơi thường diễn ra các sự kiện lớn tổ chức tại thành phố, các buổi tiếp khách ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại TPHCM.

Thăm 'địa chỉ Đỏ' ở TP Hồ Chí Minh dịp lễ 30/4 ảnh 1

Địa đạo Củ Chi

Với giá vé 65.000 đồng/người (15.000 đồng/vé trẻ em), du khách được tham quan toàn bộ các khu vực của Dinh. Dinh Thống Nhất được chia thành 3 khu vực, trong đó Khu vực cố định là nơi làm việc, sinh hoạt của chính quyền Sài Gòn trước 1975 với rất nhiều phòng như phòng khánh tiết, phòng đại yến, phòng họp nội các, phòng họp hội đồng an ninh, phòng làm việc của tổng thống và các quan chức chính phủ… Ngoài ra, Dinh còn có khu phòng ngủ, khu sinh hoạt, khu giải trí cũng như khu vực tầng hầm với những máy móc liên lạc rất hiện đại vào thời kỳ chống Mỹ.

Ngoài ra du khách cũng có thể dạo chơi bên ngoài khuôn viên của Dinh, xem những hiện vật được trưng bày ngoài trời như mô hình chiếc xe tăng đã húc đổ cánh cổng Dinh ngày 30/4.

Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi)

Khu Di tích địa đạo Củ Chi nằm cách TPHCM 70 km về hướng Tây - Bắc, bao gồm hệ thống hầm dài hơn 250km được đào dưới mặt đất với những công trình phục vụ kháng chiến như bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm di chuyển dưới lòng đất. Địa đạo Củ Chi được xây dựng ở điểm cuối của Đường mòn Hồ Chí Minh, trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép” để phòng thủ và chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, lực lượng du kích và quân Giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã xuất phát từ hệ thống địa đạo này để tấn công vào trung tâm thành phố, làm rung chuyển Sài Gòn. Sau năm 1975, Địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia và là điểm đến với những người muốn tham quan tìm hiểu cuộc sống của quân và dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày 12/2/2016, khu di tích Địa đạo Củ Chi đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Thăm 'địa chỉ Đỏ' ở TP Hồ Chí Minh dịp lễ 30/4 ảnh 2

Dinh Thống Nhất

Du khách có thể tự đi tới Địa đạo Củ Chi và mua vé vào tham quan với giá vé dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/người, chui hầm 20.000 đồng/người, các trò chơi 50.000 đồng/người. Nếu thông qua các công ty du lịch, từ quận 1 tới Củ Chi sẽ có tour trong ngày với giá dao động từ 400.000 - 600.000 đồng tuỳ theo loại phương tiện.

Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ)

Thăm 'địa chỉ Đỏ' ở TP Hồ Chí Minh dịp lễ 30/4 ảnh 3

Khu di tích chiến khu rừng Sác

Nằm trong những cánh rừng ngập mặn thuộc khu sinh quyển Cần Giờ (huyện Cần Giờ) cách trung tâm TPHCM khoảng 50km về phía Nam, Khu Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác là nơi đóng quân của Trung đoàn Đặc công rừng Sác. Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, các chiến sĩ đặc công nơi đây đã lập nhiều chiến công với những trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ... Sau ngày đất nước thống nhất, Căn cứ cách mạng Rừng Sác đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2004. Và đến năm 2000, UNESCO đã công nhận rừng Sác Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.

Hiện nay, nơi đây đã trở thành Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác với các hoạt động phục chế, tái hiện lại cuộc sống và chiến đấu của những chiến sĩ Đặc công năm xưa. Trong đó, khu căn cứ đã được xây dựng và tái hiện lại gần như toàn bộ đời sống, sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ đặc công năm xưa như: Nhà cảnh vệ, nhà đón tiếp, hầm trú ẩn, hội trường, nhà hậu cần, nhà quân y, nhà quân giới, nhà cơ yếu. Các hình ảnh mô phỏng chiến sĩ đặc công đang họp, hình ảnh tiêu diệt cá sấu, cách chưng cất nước mặn thành nước ngọt, cảnh đưa tiễn chiến sĩ vào trận đánh, trận địa súng DKZ pháo kích vào Dinh Độc lập… Ngay trong khu di tích là khu đảo Khỉ với gần 1.000 con khỉ sinh sống rất thân thiện với con người.

MỚI - NÓNG