Táo tợn trộm cà phê như chốn không người

0:00 / 0:00
0:00
Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê
Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê
TP - Tây Nguyên mới vào vụ thu hoạch cà phê nhưng đã nổi lên nhiều vụ trộm cắp táo tợn. Kẻ trộm ngang nhiên trải bạt hái cà phê như chốn không người, có trường hợp lập cả đường dây trộm cắp, tiêu thụ.

Trộm chuyên nghiệp

Ngày ngày túc trực bên vườn cà phê sai quả rộng gần 1ha, anh Trần Hồng Minh (thôn 10, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) không ngờ khu vườn chỉ cách nhà 500m lại trở thành “miếng mồi” của kẻ trộm. Chiều 7/11, anh Minh phát hiện kẻ trộm ngang nhiên trải bạt tuốt cà phê của gia đình. Anh truy đuổi nhưng đối tượng trùm mũ len kín mít đã kịp tẩu thoát, bỏ lại chiếc xe máy. Anh Minh mang chiếc xe của kẻ trộm về trình báo công an. Chỉ 1 ngày sau, kẻ trộm sa lưới.

Kẻ trộm là Võ Phi Cường (trú thôn 14, xã Ea Kiết). Theo hồ sơ, do cần tiền tiêu xài và mua ma túy, Cường điều khiển xe máy gắn biển số giả đến rẫy nhà anh Minh tuốt đầy 2 bao cà phê rồi mang sang khu rừng vắng cất giấu. Khi Cường quay lại rẫy cà phê tiếp tục hái trộm thì bị anh Minh phát hiện, truy đuổi. Trên đường bỏ chạy, Cường “tiện tay” trộm luôn chiếc xe máy của một nhân viên bảo vệ rừng để chở 2 bao cà phê đi bán. Hôm sau, Cường đang vi vu trên chiếc xe máy trộm thì bị Công an xã Ea Kiết phát hiện. Khám xét cốp xe máy của Cường, công an phát hiện nửa tép ma túy. Cường khai mua ngày 7/11 và sử dụng một nửa trước khi trộm cà phê nhà anh Minh.

Theo công an huyện Cư M’gar, trước thực trạng nhiều hộ dân báo tin bị hái trộm cà phê, hồ tiêu nhưng không bắt được thủ phạm, cuối năm 2020, đơn vị đã lập chuyên án điều tra. Ban chuyên án đã đưa 6 đối tượng, gồm H’Juaih Mlô (tên thường gọi Amí Tiêng, 43 tuổi), Y Ngot Niê (26 tuổi), Y Pah Niê (37 tuổi), H’Ba Mlô (43 tuổi), H’Wêm Mlô và Văn Thị Ly (cùng 47 tuổi, đều trú buôn Yông, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) vào tầm ngắm.

“Chúng tôi đã giao công an triển khai nhiều biện pháp như kiểm tra nhân khẩu, nắm chắc số nhân khẩu diện lưu trú vào làm ăn theo thời vụ, vận động người dân thực hiện nghiêm việc đăng kí tạm trú tạm vắng cho nhân công thu hái cà phê, nhằm 2 mục đích chính là đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 và ngăn ngừa nạn trộm cắp nông sản. Ngoài ra, UBND xã cũng khuyến cáo người dân có biện pháp bảo vệ tài sản, kết hợp các tổ liên kết thôn, bon (buôn) tuần tra”.

Ông Trần Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông

Sau nhiều tháng mật phục, thu thập chứng cứ, công an đã triệu tập các đối tượng lên làm việc. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, nhóm đối tượng do Amí Tiêng cầm đầu đã nhận tội. Đây là nhóm trộm cắp nông sản có tổ chức chuyên nghiệp. Trước khi “ăn hàng”, Amí Tiêng phân công vị trí, vai trò từng người. Các đối tượng thường giả dạng đi câu cá để thám thính vườn cây, theo dõi giờ giấc trông coi của chủ vườn. Chúng thường chọn vườn cây sai quả, ở nơi hẻo lánh và liên tục thay đổi địa bàn hoạt động.

Từ tháng 11/2020 đến ngày 13/3/2021, nhóm Amí Tiêng thực hiện 12 vụ trộm hồ tiêu và 6 vụ trộm cà phê ở huyện Cư M’gar và các xã giáp ranh. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Văn Thị Ly về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác trộm cắp mà có”, các đối tượng còn lại về tội “Trộm cắp tài sản”.

Mua thêm chó

Tại Đắk Nông cũng vừa xảy vụ trộm cắp cà phê. Ông Trần Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long) cho hay, một hộ dân trên địa bàn vừa bị mất hơn chục bao cà phê tươi. Do vườn rẫy cách xa nhà, lại nằm gần Quốc lộ 28, nên khi thu hái xong, gia đình không đưa cà phê về nhà mà để dưới vườn. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, kẻ xấu đột nhập trộm cà phê. Khu vực này không có camera quan sát, khi nhận được tin báo, công an xã Quảng Khê đến hiện trường xác minh, điều tra vụ việc. Ông Thuận cho biết, vụ trộm hàng chục bao cà phê trên là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn.

Để ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê, ông Luân Văn Trại (thôn Đắk Xuân, xã Đắk Ngọc, huyện Đắk Hà, Kon Tum) đã mua thêm mấy con chó xích quanh vườn. Ngoài ra, ông Trại cùng người dân trong thôn thường xuyên đi tuần vào ban đêm để kịp thời phát hiện, tránh mất trộm cà phê. “Năm nay, việc thu cà phê sẽ chậm hơn mọi năm do không thuê được nhân công từ các tỉnh khác. Người dân trong thôn phải đổi công cho nhau, cà phê của hộ nào chín sẽ ưu tiên hái trước. Dẫu vậy, người dân trong thôn cũng để ý đến vườn của mình để chống trộm”, ông Trại nói.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chư Sê (Gia Lai), cho biết, huyện có hơn 10.000 héc-ta cà phê. Đến thời điểm này, ông chưa nhận thông tin dân báo trộm cắp. Lực lượng công an làm việc nghiêm túc, các năm trước phát hiện trộm cắp xử lý nghiêm nên có tính răn đe cao. Cùng với đó, UBND huyện đề nghị các xã tăng cường đảm bảo an ninh, bảo vệ mùa màng cho người dân.

MỚI - NÓNG