Tăng chuỗi giá trị cho hàng thủ công mỹ nghệ

Tăng chuỗi giá trị cho hàng thủ công mỹ nghệ
TPO - Phát triển nhanh ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) là một trong những mục tiêu của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn và tăng cường khả năng xuất khẩu.

TPO - Phát triển nhanh ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) là một trong những mục tiêu của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn và tăng cường khả năng xuất khẩu.

Cơ hội làm giàu

Theo Chương trình chung sản xuất và thương mại xanh hướng tới mục tiêu tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo ở nông thôn, do Quỹ các Mục tiêu thiên niên kỷ tài trợ, sẽ tập trung hỗ trợ cho hơn 4.800 hộ nghèo sản xuất hàng TCMN và thu mua nguyên liệu ở bốn tỉnh (Phú Thọ, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An). Đây là bốn tỉnh có tỷ lệ nghèo cao với 41% đối tượng hưởng lợi từ chương trình là hộ nghèo; trong đó đặc biệt là hộ gia đình dân tộc thiểu số chiếm 30% tổng số hộ và có khoảng 70% người tham gia chương trình là phụ nữ.

Chương trình sẽ tập trung vào 5 chuỗi giá trị là mây tre đan, dâu tơ tằm, cói, sơn mài, giấy thủ công. Thông qua đó sẽ thúc đẩy người dân trồng, thu gom nguyên liệu và sản xuất, cải tiến sản phẩm, tìm cơ hội liên kết với thị trường tiềm năng để mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho người dân. Để triển khai chương trình, các tổ chức đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát cơ bản các hộ gia đình; dịch và soạn tài liệu canh tác - thu hoạch cói, mây tre, dâu tơ tằm, sơn, giấy thủ công; hỗ trợ thiết kế cho các doanh nghiệp; nghiên cứu khung pháp lý cho phát triển kinh tế địa phương; đánh giá cụ thể về an toàn và sức khoẻ lao động tại bốn tỉnh.

Chương trình sẽ giúp gia tăng chuỗi giá trị TCMN
Chương trình sẽ giúp gia tăng chuỗi giá trị TCMN. Ảnh: Phong Cầm

Thời gian tới, trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của 5 tổ chức thuộc Liên hợp quốc (FAO, ILO, ITC, UNCTAD, UNIDO) sẽ cùng nhau tháo gỡ những khó khăn để xây dựng được các chuỗi giá trị xanh bền vững về mặt môi trường, liên kết chặt chẽ, hỗ trợ các hộ dân nghèo tạo ra được sản phẩm tốt, đa dạng và tìm kiếm được thị trường mới cho người dân.

Hướng tới xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng TCMN của Việt Nam mới chỉ đạt 274 triệu USD, năm 2005 đạt 565 triệu thì năm 2007 đã đạt 820 triệu và dự kiến hết năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sẽ đạt 1,5 tỉ USD.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam cho rằng, ngành tiểu thủ công nghiệp đã tạo ra hàng triệu việc làm cho lao động địa phương, nâng cao mức sống và bảo tồn các nghề truyền thống. Theo ông Báu, Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường quốc tế bằng sự đa dạng của các mặt hàng TCMN cũng như tay nghề của người thợ với các sản phẩm truyền thống như: đồ nội thất, gỗ, gốm sứ, sơn mài, lụa, thêu, đồ trang sức... Dù kim ngạch xuất khẩu của ngành TCMN chưa sánh được với ngành công nghiệp khác như dầu khí, dệt may... nhưng hàng TCMN có lợi thế là chi phí đầu tư thấp.

Đại diện cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, cách tiếp cận của Chương trình là hỗ trợ người nghèo sản xuất trên cơ sở bền vững về môi trường. Đích hướng tới của Chương trình nhằm giúp người trồng cải tiến sản phẩm, đồng thời kết nối thị trường để tăng khả năng sinh lời. Chương trình còn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua giới thiệu quy trình sản xuất sạch (giảm thiểu hóa chất độc hại, rác thải, ô nhiễm), giới thiệu kỹ thuật tiên tiến và mô hình bền vững cho các doanh nghiệp, định hướng xuất khẩu và chế biến; đồng thời, củng cố và tăng cường mối liên hệ giữa doanh nghiệp cơ sở, nâng cao kỹ năng kinh doanh.

Theo ông Đỗ Xuân Hạ - Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), từ khi triển khai đến nay, Chương trình đã hỗ trợ 8 Cty thuộc dự án hoàn thiện điều tra toàn diện giũa nông dân và người sản xuất hàng thủ công gia dụng. Phân tích khu thể chế cho phát triển kinh tế địa phương. Tổ chức khảo sát học hỏi kinh nghiệp thâm canh cây mây ở tỉnh Thái Bình và nâng cao năng lực kinh doanh của các nhà xuất khẩu hành TCMN tại Hà Nội.

Phong Cầm

 Chương trình chung sản xuất và thương mại xanh để tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho người nghèo được triển khai từ 1-2010 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12-2012. Đây là chương trình do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với các cơ quan của Liên hiệp quốc thực hiện với tổng kinh phí hơn 4 triệu USD.
 Hiện, cả nước có 723 làng nghề thủ công về mây tre với sự tham gia của 350 nghìn lao động. Các làng nghề thủ công mây tre của các dân tộc thiểu số như: Khơ Mú, Thái, Tày, Nùng, La Hủ có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nghề mây tre Việt Nam. Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam có truyền thống lâu đời đối với mặt hàng này và có nhiều làng nghề nhất.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG