Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu mỗi kg sâm Ngọc Linh, phiên Chợ sâm ở Quảng Nam đem lại doanh thu tiền tỷ.

Thấp nhất 60 triệu đồng/kg

Chợ sâm Ngọc Linh diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng, tại huyện miền núi Nam Trà My - thủ phủ sâm đang ngày càng thu hút khách.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 1
Phiên chợ tiền tỷ diễn ra đầu tháng tại huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Hoài Văn.
Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 2
Những cây sâm được mang từ vùng núi Ngọc Linh về bán tại chợ.

Từ phiên đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2017, đến nay chợ sâm Ngọc Linh được nhiều người biết đến. Nhiều người ví von đây là phiên chợ của những đại gia, bởi người bán là những chủ vườn sâm - “đại gia chân đất” trên đỉnh núi Ngọc Linh, người mua từ khắp nơi đổ về, thuộc giới có tiền vì mỗi ký sâm giá giao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 3
Bảng giá sâm được niêm yết tại phiên chợ.

Chợ sâm Ngọc Linh tháng 8 vừa khai mạc nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V và 20 tái lập huyện Nam Trà My.

Phiên chợ thu hút 60 gian hàng của các cơ sở kinh doanh và người dân Ca Dong, Xê Đăng tại 7 xã trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, ước tính có gần 100 kg sâm Ngọc Linh tươi được chào bán. Ngoài ra, một số sản phẩm từ sâm như sâm Ngọc Linh ngâm mật ong rừng, rượu sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu, nông sản đặc trưng của người đồng bào địa phương.

Theo các bảng giá được niêm yết tại chợ, sâm Ngọc Linh loại một giá 160 triệu đồng/ kg, loại hai 90 triệu đồng, loại ba 80 triệu đồng/ kg, loại bốn 70 triệu đồng/ kg, loại năm 60 triệu đồng/kg.

Giá các loại lá sâm Ngọc Linh dao động 10-12 triệu đồng/kg, hoa sâm 15-17 triệu đồng/kg, hạt sâm có giá 80-100 triệu đồng/1.000 hạt.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 4
Người dân từ đỉnh núi Ngọc Linh cõng sâm về bán.

Từ sáng sớm người người đổ về trung tâm huyện, người từ trên núi cõng sâm xuống bán, người dưới xuôi ngược xe lên để dự phiên chợ đặc biệt này.

Tổ thẩm định sâm được thành lập gồm 6 người, “chốt” đóng ngay trước cổng. Toàn bộ sâm được mang đến bán tại chợ đều phải được kiểm định. Tổ phó tổ thẩm định Trịnh Minh Quý khẳng định, phiên chợ sâm chỉ bán sâm Ngọc Linh, không bán bất cứ loại nào khác. Thành viên là những người dày kinh nghiệm, kiểm định sâm bằng cách quan sát đặc điểm từ củ, rễ, lá sâm...

Sáng 1/8, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn hơn 2 kg sâm nghi giả đang chuẩn bị được đưa vào chợ.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 5
Tổ kiểm định sâm được bố trí kiểm tra kịp thời ngăn chặn sâm giả.

Anh Hồ Văn Dang - thành viên tổ kiểm định sâm - cho hay, tất cả những người tham gia bán tại chợ sâm đều có cam kết về chất lượng. Ngoài ra, nội quy chung thì hàng trước khi đưa vào chợ bán phải được kiểm tra từng củ. Nếu nghi ngờ không phải sâm Ngọc Linh bản địa thì không được đưa vào chợ, đồng thời liên hệ cơ quan chức năng để xác minh nguồn gốc và xử lý.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 6

Hai củ sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi được rao bán gần 20 triệu đồng.

Bán loại dược liệu đặc biệt quý, người đến chợ đều mong chất lượng phải đảm bảo “đắt xắt ra miếng”. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hè (25 tuổi, thôn 3 xã Trà Linh) từ tinh mơ chạy xe máy xuống chợ, mang theo 2 cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi. Đây là 2 cây sâm đẹp nhất trong vườn, anh ra giá 18 triệu đồng nhanh chóng được khách “chốt”.

“Vườn mình nhỏ trồng ít, hơn nữa sâm phải đủ tuổi mới nhổ đem bán nên mỗi phiên thường chỉ chọn được ít cây. Số tiền này về để mua thêm giống về gieo, sắm sửa ít đồ trong nhà” - anh chia sẻ.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 7
Nguyễn Văn Hè từ xã Ngọc Linh cõng sâm về chợ ở trung tâm huyện để bán.

Bà Nguyễn Thị Lan (51 tuổi) ở thôn 1 xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam mang xuống phiên chợ hơn 2 kg sâm. Bà cho hay, số sâm này được trồng và một số gom mua tại vườn sâm của người dân trên xã. Thâm niên hơn 10 năm trồng và bán sâm Ngọc Linh bà tin tưởng phân biệt được sâm Ngọc Linh thật với sâm giả. Do có giá trị kinh tế cao, không loại trừ trường hợp giả sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên người có thâm niên nhìn vào có thể nhận diện được căn cứ vào các đặc điểm cơ bản từ củ, lá, thân…

“Người Xê Đăng chúng tôi luôn tự hào và ý thức giữ gìn loại dược liệu quý giá này, nên cảm thấy rất vui khi lực lượng chức năng làm chặt chẽ không để sâm giả tuồn vào chợ làm ảnh hưởng đến thương hiệu”, bà Lan chia sẻ.

Gần 810 ha với hơn 3 triệu cây sâm

Bí thư huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng cho hay, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây.

Giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định, các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 8
Những cây sâm với đầy đủ hoa, lá và hạt được định giá với mức cao hơn.

Tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu Xây dựng và phát triển Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 9

Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - nhìn nhận, khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và thành quả được trưng bày, quảng bá hôm nay, một lần nữa khẳng định Nam Trà My đã và đang rất thành công trong quá trình thực hiện định hướng chiến lược, chủ trương phát triển bền vững và tạo thương hiệu cho cây sâm Ngọc Linh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu huyện Nam Trà My khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, triển khai hiệu quả Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Tận thấy phiên chợ tiền tỷ của các 'đại gia chân đất' ảnh 10
Khách xem mua, ngã giá mua tại chợ.

“Bên cạnh đó tuyên truyền, hướng dẫn, thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác hiệu quả việc trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng; quyết tâm xây dựng huyện Nam Trà My thật sự trở thành “Thủ phủ sâm Ngọc Linh”, trung tâm giống dược liệu quý hiếm của quốc gia”, ông Cường nhấn mạnh.

"Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 là một sự kiện quan trọng để truyền tải các thông điệp của Sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và trên thế giới, phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia. Sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi Nam Trà My sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái" - ông Lê Thanh Hưng, Bí thư huyện ủy Nam Trà My nói.

MỚI - NÓNG