Tái canh mạnh cây cà phê: Chuyên gia khuyến cáo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian qua, giá cà phê trong nước tăng cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 64.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Nông dân đang tái canh mạnh mẽ song trong lộ trình vẫn phải giảm diện tích.

Từ đầu mùa mưa đến nay, nông dân Tây Nguyên tất bật cải tạo đất để trồng cà phê. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng bởi diện tích cà phê già cỗi rất lớn, có thời điểm bà con không mặn mà với việc tái canh.

Anh Bùi Văn Bằng (thôn 14, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho biết, gia đình vừa trồng gần 1 héc-ta cà phê. Trước đó diện tích này gia đình anh trồng hồ tiêu, tuy nhiên, loại cây này “khó tính”, không hợp đất nên chết dần. Do đó, anh quyết định quay lại với cây cà phê.

Tái canh mạnh cây cà phê: Chuyên gia khuyến cáo ảnh 1

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê.

Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Hoài (xã Ea Ning) vừa tái canh 1 héc-ta cà phê. Theo bà Hoài, những năm gần đây, giá cà phê tăng dần. Đặc biệt, từ tháng 5 đến nay, giá cà phê tăng vọt, có thời điểm đạt 64.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 15 năm qua. Ngoài ra, lý do bà Hoài quay lại trồng cà phê bởi loại cây này phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương, kỹ thuật canh tác không quá khó so với hồ tiêu, sầu riêng, bơ…

Chị Hoàng Nghĩa An (chủ vườn cây giống An Vân, huyện Cư Kuin) cho hay, mùa mưa năm nay, nông dân trồng cà phê rất nhiều. Nhiều hộ mua từ 500-600 cây giống với giá dao động từ 3.000-6.000 đồng/cây, tùy cây to, nhỏ. Riêng cơ sở của chị đã bán hàng vạn cây giống cà phê, có thời điểm cháy hàng.

Ông Phạm Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết, toàn xã có gần 1.000 héc-ta cà phê, trong đó 30% diện tích đến thời kỳ tái canh. Từ đầu năm 2023 đến nay, nông dân toàn xã đã tái canh được 50 héc-ta.

Ông Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cả nước có hơn 710.000 héc-ta cà phê. Riêng Tây Nguyên khoảng 650.000 héc-ta, vẫn vượt so với quy hoạch của cả nước.

Theo TS. Hà, cây cà phê phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của Tây Nguyên; nông dân đã làm chủ kỹ thuật nên có tính bền vững. Chưa kể, thị trường tiêu thụ cà phê phủ khắp thế giới, giá cà phê đang ở mức cao. Điều đáng mừng là sau khi trải qua nhiều bài học từ việc đổ xô trồng hồ tiêu, bơ…, nông dân nhận ra giá trị bền vững của cà phê và bắt tay tái canh mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo TS. Hà, trong lộ trình sắp tới vẫn phải cắt giảm những diện tích cà phê không phù hợp, tập trung chăm sóc cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất cà phê đặc sản, chế biến sâu…

TS. Hà lưu ý hai vấn đề chính: Liên minh châu Âu (EU) vừa có quy định mới, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Do đó người dân cần chú ý khi trồng mới diện tích cà phê. Ngoài ra, nông dân phải lưu ý là biến đổi khí hậu. Bởi theo dự báo, từ năm sau hiện tượng El Nino sẽ tác động rõ nét, gây nên tình trạng khô hạn, nắng nóng khắc nghiệt. Vậy nên, ngay từ bây giờ nông dân phải chủ động kỹ thuật canh tác, nguồn nước…

Từ đầu năm 2023, trên địa bàn Tây Nguyên xuất hiện những đợt mưa trái mùa khiến cà phê rụng bông rất nhiều, điều này ảnh hưởng đến sản lượng cà phê vụ tới. Tuy nhiên, nếu người dân chăm sóc tốt, sẽ giảm bớt thiệt hại về năng suất.

MỚI - NÓNG