Sấp ngửa miếng ngói âm dương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghề làm ngói âm dương (hay còn gọi là ngói máng) ở xóm Lũng Rì, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng có lịch sử hơn 200 năm. Cái kỳ lạ ở đây là miếng ngói âm dương vẫn được làm hoàn toàn bằng thủ công một cách điệu nghệ như hàng trăm năm trước...
Sấp ngửa miếng ngói âm dương ảnh 1
Người dân xóm Lũng Rì làm ngói máng

Kỹ nghệ truyền đời

Từ thành phố Cao Bằng, chúng tôi đi theo quốc lộ 3, vượt qua đèo Mã Phục - con đèo uốn lượn giữa hai dãy núi đá vôi cao, hướng mặt về nhau tựa như hình ảnh hai con ngựa đang phủ phục. Đây cũng là con đèo đẹp nhất Cao Bằng, nằm trong di sản thiên nhiên độc đáo - Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận.

Vượt qua đèo Mã Phục, chúng tôi tiến vào thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa và đi tiếp quốc lộ 3 chừng 2km, rồi rẽ phải vào địa phận xã Tự Do hơn 1km nữa thì xóm Lũng Rì hiện ra trước mắt. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn, lán sản xuất ngói được lợp bằng chính sản phẩm đặc sắc của địa phương. Trong lán, vô kể những hàng ngói máng thô mộc được xếp đều tăm tắp. Cạnh những mái nhà sàn nép dưới chân núi là những lò ngói thong thả nhả khói.

Lán ngói của anh Lục Văn Quân nằm ngay bên đường, đầy ắp ngói máng, thoảng mùi ngai ngái của đất. Anh Quân cho biết, nghề làm ngói máng có từ thời tổ tiên ông bà. Thời điểm chính xác dân Lũng Rì bắt đầu làm ngói máng không ai còn nhớ, nhưng các cụ ước cỡ khoảng 200 năm. Ngói ở đây có 2 loại, là ngói máng (hay ngói âm dương) và ngói bò.

Ngói máng để lợp, còn ngói bò để úp nóc nhà. Ngói âm dương là từ chỉ chung cho loại ngói lợp nhà theo cặp; viên ngửa (âm) và viên sấp (dương). Để phục vụ những nhu cầu phức tạp và cầu kỳ, hai viên âm và dương có hình thù khác nhau, có lớp tráng men hay không tráng men... Còn ở Lũng Rì, viên âm và dương là một, các mặt đều thô mộc, có hình cong cong như cái máng nên gọi là máng; âm hay dương chỉ có nghĩa khi người ta lợp viên ngói đó sấp hay ngửa.

Để làm ra những viên ngói, dân Lũng Rì phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Từ chọn đất, ủ đất, nhào đất, lọc sạn đến tạo hình, phơi, nung… Các khâu đều làm thủ công, rất tỉ mỉ. “Ví dụ, ở khâu tìm nguồn đất, khi xác định được khu vực có đất tốt, thợ phải đào, bóc lớp đất mặt lên rồi lấy tay lăn viên đất cho nhỏ bằng đầu đũa; kéo dài ra mà không bị đứt gãy mới đạt tiêu chuẩn”, anh Quân cho biết.

Khi xác định được nguồn đất tốt, thợ khai thác vận chuyển về lán rồi tiến hành xới tơi đất, lọc đất sao cho không được dính đất tạp, cát, đá rồi cho nước vào ngâm. Sau 10 ngày ngâm đất thì đưa trâu vào giẫm, quần đất cho nhuyễn.

Sau khâu làm đất, đất được đắp thành ụ trong lán phủ kín để khỏi bị khô. Trước khi tiến hành làm ngói, người thợ xắn đất ra đắp thành một khối hình trụ cao khoảng 1,4m và chiều ngang khoảng 1m.

Khi làm, người thợ dùng một thanh tre thấm qua nước rồi tì chặt lên bề mặt trụ đất, lấy thước đo đánh dấu chia đôi trụ đất. Chiều sâu của khối đất sẽ lấy một lần đúng 1cm. Đất được cắt ra đưa vào khuôn. Khuôn làm ngói máng có hình tròn, được đặt trên 1 bệ xoay, đường kính khoảng 25cm, trên thân khuôn có 4 điểm gờ chia đều nhau để chia thành 4 viên ngói cho mỗi lần làm.

Khâu cực kỳ quan trọng là nung ngói. “Ngói được nung trong lò 5 ngày 5 đêm. Nung ngói là một khâu rất quan trọng, phải đun bằng củi, lửa đều, nếu không cẩn thận, làm sai kỹ thuật thì ngói dễ bị “sống” hoặc cháy, cong vênh khi nung trong lò”, anh Quân chia sẻ.

Sấp ngửa miếng ngói âm dương ảnh 2
Để làm ra sản phẩm ngói máng đẹp, bền người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ

Cuộc đua không cân sức

Theo người dân nơi đây, trung bình mỗi hộ một năm làm được nhiều nhất 4 lò, mỗi lò được 16.000 viên, giá mỗi viên bán ra 1.200 đồng, trừ chi phí các khoản, nếu thị trường tiêu thụ ổn định thu nhập mỗi năm 30 đến 40 triệu đồng.

Ông Hoàng Minh Đồng, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Lũng Rì cũng là một hộ làm ngói máng thủ công truyền thống cho biết, nghề làm ngói máng đang bị mai một dần; hiện Lũng Rì chỉ còn 25 hộ sản xuất. Những người còn duy trì nghề, vì họ luôn tâm niệm đây là nghề gia truyền của tổ tiên, cần lưu giữ và phát triển.

Bà Đàm Thị Chiến, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quảng Hòa cho biết, mong mỏi của bà con nơi đây là nghề làm ngói được các cơ quan, ban ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ để giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo có hằng trăm năm. Vì vậy, UBND huyện đã trình đề án để UBND tỉnh công nhận làng nghề làm ngói máng Lũng Rì. Sau khi được công nhận làng nghề, huyện sẽ bám theo những hướng dẫn của Nhà nước về hỗ trợ làng nghề xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân dân trong phát triển bảo tồn nghề làm ngói máng truyền thống, gắn với phát triển du lịch.

Ngói máng thường bán theo từng đơn đặt hàng trước, khách hàng là bà con các huyện trong tỉnh làm nhà cổ, nhà gạch cấp bốn. Trong hai năm gần đây, các doanh nghiệp khi xây dựng các khu du lịch cũng về đặt hàng ngày càng nhiều.

Mặc dù nghề làm ngói máng được xem là nghề phụ, nhưng cho thu nhập khá, thế nhưng số hộ bỏ nghề tăng lên bởi không cạnh tranh nổi với các loại ngói hiện đại, giá lại rẻ hơn trên thị trường hiện nay.

Ông Đồng chia sẻ, sản phẩm ngói máng sản xuất ở đây có màu sắc đẹp, chất lượng tốt, trở thành địa điểm nhiều người quan tâm, còn những xóm khác cũng làm ngói máng, nhưng giờ đã thất truyền, chỉ còn Lũng Rì vẫn giữ được.

Nói về nguyên nhân nhiều thôn làm ngói bị thất truyền, ông Đồng trầm ngâm cho biết, nhiều người ít chuộng loại ngói máng nên sản phẩm làm ra cũng ít bán được như trước, thậm chí nhiều lúc ế ẩm. Hơn nữa, nguyên liệu để làm ngói, củi đun ngày càng khó tìm, phải mua với giá khá cao.

Sấp ngửa miếng ngói âm dương ảnh 3
Đất để làm ra ngói máng phải cho trâu giẫm nhuyễn, đến khi nào đất không dính vào chân trâu nữa mới đạt chuẩn

Trung bình mỗi lò ngói phải tốn vài xe công nông củi, người dân phải bỏ tiền ra hàng triệu đồng để mua. Đây là nguyên liệu không thể thay thế, bởi dùng than đốt sẽ không điều chỉnh được nhiệt độ trong từng giai đoạn khi nung lò, để cho ra lò sản phẩm ngói tốt nhất. Và một nguyên nhân khiến nghề làm ngói “tụt dốc” do thế hệ con cháu không hào hứng với nghề “chân lấm, tay bùn”, các cháu lớn lên đều ra các thành phố, đến các khu công nghiệp làm việc, vừa sạch sẽ chân tay, vừa có thu nhập cao hơn.

Vừa cho trâu nhào đất chị Lương Thị Liên, một người tâm huyết với nghề sản xuất ngói máng cho biết, vì yêu nghề, không muốn nghề của cha ông để lại bị thất truyền, gia đình chị vẫn duy trì, đang cố gắng phát triển.

“Dù đứng trước những khó khăn nhưng người dân Lũng Rì không dễ gì bỏ cái nghề được thừa kế từ tổ tiên. Chúng tôi làm để vừa kiếm sống để vừa giữ chút gì đó của ông cha còn lại cho con cháu đời sau”, chị Liên chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.