'Sáng tác' truyền thuyết sai lệch về Lang Biang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Núi Lang Biang hùng vĩ là nơi bác sĩ và cũng là nhà thám hiểm lừng danh A.Yersin khám phá ra Đà Lạt. Từ xa xưa đã có truyền thuyết của người K’Ho về dãy núi huyền bí này, thế nhưng những người làm du lịch lại “sáng tác” ra truyền thuyết mới với nhiều sai lạc.

Già làng Krajan Plin (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), người suốt đời sưu tầm những giá trị văn hóa dân gian quý báu của người K’Ho cho biết theo cách xưng hô của tộc người này, nếu là vợ chồng thì bao giờ tên người vợ cũng đứng trước tên chồng.

Do đó, trong sử thi, với ngọn núi mang tên Lang Biang thì nhân vật K’Lang phải là nữ và K’Biang là nam. Thế nhưng, trong các truyền thuyết mà tác giả hoặc nhóm tác giả “sáng tác”, đang được sử dụng để kể trong các tua du lịch thì tên các nhân vật đã bị đảo ngược, biến nhân vật nữ K’Lang thành nam.

'Sáng tác' truyền thuyết sai lệch về Lang Biang ảnh 1

Già Krajan Plin cùng các trai làng dưới chân núi Lang Biang

“Truyền thuyết “chàng Lang và nàng Biang” đang được sử dụng để kể trong các tua du lịch chỉ dựa vào hai từ Lang Biang, chứ không hề căn cứ vào sử thi, do đó có nhiều chi tiết sai khác, thậm chí trái ngược hoàn toàn so với văn hóa truyền thống của người K’Ho. Họ lấy cách tư duy theo chế độ phụ hệ của người Kinh áp đặt cho tư duy người K’Ho xuất phát từ quan niệm của chế độ mẫu hệ. Đây là nhầm lẫn cơ bản, làm nhòa đi những giá trị đích thực đã có từ lâu đời”, già Plin khảng khái.

“Nếu là truyền thuyết thì phải căn cứ vào sử thi và phải có đầu có đuôi của cốt truyện, có cha sanh mẹ đẻ của nhân vật và những địa danh liên quan”. Già làng Krajan Plin nói như đúc kết

Từ xa xưa, người K’Ho đã có truyền thuyết về Lang Biang, liên quan đến sử thi, được lưu truyền rộng rãi. Chuyện kể rằng K’Lang là con gái duy nhất của bà K’Yah và ông Brah Yang. Bà được thần linh giao phó cai quản vùng đất thuộc cực nam của cao nguyên. Còn bà K’Bồng lấy ông K’Krong sinh ra chàng trai tên là K’Biang, cai quản vùng đất thuộc cực bắc và là gia đình giàu có nhất vùng.

'Sáng tác' truyền thuyết sai lệch về Lang Biang ảnh 2

Núi Lang Biang

Đôi trẻ này tình cờ gặp gỡ trong lễ hội Tác năng rồi yêu thương, đeo vòng đồng cho nhau như lời ước hẹn trăm năm. Khi tan hội, họ bịn rịn chia tay, hẹn sớm gặp lại. Chàng K’Biang phi ngựa trắng ngược lên núi, còn nàng K’Lang leo lên lưng ngựa xuôi về Brah Yang (nay là huyện Di Linh). K’Lang nhớ người yêu đến mức mỗi lần ngước nhìn cây thông thì lá cây cũng héo úa theo. Nàng bỏ ăn nhiều ngày rồi ngã bệnh. Mẹ nàng mời những thầy cúng giỏi nhất chữa trị nhưng bệnh ngày càng nặng thêm.

Về phía K’Biang, khi thấy chiếc vòng đồng trên tay có vết nứt khác lạ như điềm báo xấu, chàng vội phi ngựa đến thăm nàng. Thấy K’Lang nằm bất động bên bếp lửa, K’Biang liền ôm nàng vào lòng. Nàng từ từ mở mắt, người run lên vì vui sướng, thúc giục cha mẹ xin hỏi cưới chàng, nhưng nhà trai đã từ chối vì không môn đăng hộ đối.

Không chỉ đòi bồi thường thiệt hại danh dự (theo tục lệ), gia đình của K’Lang còn sai quân đi lùa đàn thú hoang, chim muông từ thượng nguồn về. Dòng họ của K’Biang sai quân ra chặn. Cuộc chiến khốc liệt giữa hai dòng tộc khiến đôi trẻ đau buồn, tìm đến cái chết. Muôn loài đã đắp ngôi mộ “Pơthi” thành ngọn núi Lang Biang; nước mắt khóc thương biến thành dòng Đa Nhim (dòng sông nước mắt).

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.