Rưng rưng tháng 2 biên giới

TP - Nhân dịp 44 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc (17/21979- 17/2/2023), lại là nghỉ cuối tuần nên nhiều đoàn cựu chiến binh, nhân dân thập phương đã trở lại xứ Lạng ôn lại ký ức bi hùng và thắp tâm nhang cho đồng đội, người dân đã tử nạn trong cuộc chiến giữ đất biên cương.

Ngược lên biên giới mạn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, phóng viên báo Tiền Phong cùng một số cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Ngọc Linh, Đại úy, nguyên Chính trị viên đồn BP Hữu Nghị trở lại nhà “Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ” được xây dựng trên một quả đồi cao, thoáng mát ngay cạnh nhà chỉ huy Trạm Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị. Nơi đây, 40 cán bộ của đơn vị đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.

Bà Nguyễn Thúy Lan, năm nay bước sang tuổi 83 cùng con trai là Trung tá Nguyễn Ngọc Liêm, sỹ quan đang công tác tại Bộ Chỉ huy BP Lạng Sơn kính cẩn dâng hương, dâng hoa cho chồng, cha mình là liệt sỹ Nguyễn Ngọc Linh.

Rưng rưng tháng 2 biên giới ảnh 1

Gia đình và cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Hữu Nghị cúng giỗ liệt sỹ Biên phòng hy sinh ngày 17/2/1979. Ảnh: Duy Chiến

Tới dự tưởng niệm, ông Triệu Ngọc Kim (SN 1962), dân tộc Nùng, nguyên Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn bồi hồi nhớ lại: “Khoảng 3giờ sáng ngày 17/2/1979, tại trận địa dân quân kết hợp ở khu vực Nà Pàn, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tổ gác đêm phát hiện và báo cáo ngay với chỉ huy đồn Biên phòng Hữu Nghị rằng, có dấu hiệu bất thường với những âm thanh lạ, đó là địch đuổi bò sang ta để phá mìn sau đó xua quân đánh sang khu vực Nà Pàn- Bảo Lâm. Khi đó, ông Kim mới 16 tuổi nhưng được bố là ông Triệu Ký Hồng (SN 1937, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Bảo Lâm) cho cầm một khẩu súng CKC cùng bộ đội, dân quân và nhân dân đánh giặc. Ông Triệu Ký Hồng và Đại úy Nguyễn Ngọc Linh, Chính trị viên đồn BP Hữu Nghị chỉ huy ngăn cản bước tiến của địch, đồng thời bố trí lực lượng cho người già, trẻ em sơ tán.

“Nhớ ngày đồng đội hy sinh, các cựu chiến binh ở các tỉnh, thành trong cả nước trở lại Lạng Sơn, về với chiến trường xưa để thắp những nén tâm nhang tưởng nhớ những người tử nạn trong cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979”.

Cựu chiến binh Đào Ngọc Sơn, nguyên chiến sỹ Sư đoàn 3 Anh hùng.

Theo Lịch sử Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị thì lúc này, đồn có 254 cán bộ, chiến sỹ chia làm 5 mũi kháng địch. Quân địch đồng loạt sử dụng hỏa pháo, tiếp theo xe tăng yểm trợ, tràn quân tấn công vào các điểm chốt Biên phòng. Ngay lập tức, dòng người bị khựng lại khi gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của ta. Gần 2 tiếng giao chiến, 2 chiếc xe tăng của địch bị bắn cháy, nhiều tên địch bị tiêu diệt.

Trong buổi sáng 17/2, cán bộ chiến sỹ Biên phòng và dân quân đã đẩy lùi 12 đợt tấn công của quân địch. Trận địa của ta bị hỏa lực đối phương bắn phá tàn khốc. 2/3 quân số của đồn bị thương và hy sinh, trong đó có Chính trị viên Nguyễn Ngọc Linh. Ông Triệu Ngọc Kim cho biết thêm, các chiến sỹ Biên phòng còn bảo vệ, tổ chức dẫn dắt, đưa đường cho hơn 300 đồng bào xã Bảo Lâm vượt qua làn đạn, vòng vây của địch sơ tán về tuyến sau an toàn.

Rưng rưng tháng 2 biên giới ảnh 2

Tưởng niệm người tử nạn ở Pháo đài Đồng Đăng. Ảnh: Duy Chiến

Pháo đài máu và hoa

Trong hai ngày 17 và 18/2/2023, có hàng trăm cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ đã tề tựu tại pháo đài từ rất sớm. Năm nay, các tăng ni, phật tử ở thị trấn Đồng Đăng, Chùa Thành Lạng Sơn tổ chức tụng kinh, cầu siêu cho khoảng 400 người đã tử nạn ở trong pháo đài, hiện vẫn chưa tìm thấy xác. Họ bày cỗ chay, cúng giỗ vong linh các anh hùng liệt sỹ, người đã khuất.

Đoàn cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, các cựu chiến binh đã từng tham chiến ở mặt trận Lạng Sơn cũng về dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Anh hùng Nông Văn Phjeo, Đại tá, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn kể lại: Sáng 17/2/1979, nhận thấy Pháo đài Đồng Đăng (được xây từ thời Pháp trước năm 1945), chiếm giữ vị trí trọng yếu nên quân địch đã dùng hỏa lực mạnh, tập trung quân đánh chiếm. Nơi đây, có Đại đội 5 Công an vũ trang Lạng Sơn (Bộ đội biên phòng ngày nay), với hơn 100 tay súng được bố trí ngăn chặn. Ngay buổi sáng cùng ngày, hàng trăm người dân Đồng Đăng chạy lên đây trú ẩn. Nhờ vị thế hiểm yếu của pháo đài, cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch. Hàng trăm tên địch gục ngã sau những đợt xông lên.

Sau 5 ngày quân dân ta tử thủ, địch vẫn không thể vào pháo đài. Cay cú, quân địch đặt thuốc nổ giật sập cửa vào hầm ngầm, trong số những người thoát ra được có Anh hùng Nông Văn Phjeo.

Từ những mỏm đá cao trên pháo đài nhìn xuống thấy những mái ngói đỏ tươi của thị trấn Đồng Đăng. Rồi nhà ga quốc tế, nơi đón những chuyến tàu liên vận đến những dãy phố cao tầng, những cửa hàng sáng rực ánh điện. Trải qua thời gian, vết thương chiến tranh đã lành nhưng ký ức về một thời giữ đất biên cương vẫn là niềm tự hào, đáng nhớ để chúng ta trân quý.

Tin liên quan