Cỗ cúng và vàng mã “ế ẩm”
Như mọi năm, ngày 14, 15 âm lịch là cao điểm đặt cỗ cúng như thị trường vàng mã sôi động. Tuy nhiên, năm nay, do Hà Nội giãn cách, vàng mã không phải mặt hàng thiết yếu nên các cửa hàng vàng mã trên phố đều đóng cửa. Nhiều cửa hàng chuyển sang bán online nhưng do chi phí vận chuyển đắt đỏ nên nhiều gia đình bỏ qua khâu vàng mã.
Chị Thanh Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp và thành phố cách ly kéo dài nên gia đình chị thắt chặt chi tiêu. “Năm nay, tôi chỉ mua ít hoa quả về thắp hương và không cúng mặn và đốt vàng tiền với quan điểm cắt giảm không cầu kỳ”, chị Nga nói.
Những ngày này không chỉ mặt hàng vàng mã vắng bóng khách mua mà dịch vụ đặt cỗ cúng Rằm tháng 7 cũng trong tình trạng tương tự, hầu hết các cửa hàng chuyên làm cỗ cúng đều từ chối nhận đơn hàng.
Nhiều người tiêu dùng phản ánh, thời điểm này do lo ngại dịch COVID-19 và các siêu thị mini, chợ truyền thống hầu như chỉ bán hàng tiêu dùng thiết yếu, không có đủ nguyên liệu nấu đồ cúng, song các cơ sở chuyên nấu cỗ cúng cũng không nhận làm cỗ.
Chủ nhà hàng trên phố Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng) cho hay, ngay từ đầu tháng 7 Âm lịch nhiều khách quen đã đặt cỗ nhưng cửa hàng không dám nhận. Lý do là bởi dịch COVID-19, nhà hàng đã dừng hoạt động, quan trọng hơn cả TP Hà Nội chỉ cho phép ra đường vận chuyển hàng hóa thiết yếu, việc ship cỗ cúng Rằm tháng 7 không thuộc những mặt hàng này. Nếu lực lượng chức năng phát hiện sẽ bị phạt nặng nên không thể nhận đơn hàng cỗ cúng Rằm tháng 7 như mọi năm.
Mặc dù từ chối nhận đặt mâm cỗ cúng, nhưng một số tiểu thương kinh doanh gia cầm vẫn nhận đặt làm gà lễ cúng Rằm tháng 7 với điều kiện chỉ ship khu vực nội thành. Đồng thời cũng tăng giá bán mặt hàng này từ 20.000 - 30.000 đồng/kg lên 150.000- 170.000 đồng/kg so với thời điểm chưa thực hiện giãn cách xã hội.
Chị Thu Hằng, kinh doanh gia cầm tại chợ Đống Đa cho biết, gà cùng Rằm tháng 7 chủ yếu là gà ta, nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời điểm này bởi nhập gà cũng khó khăn do thành phố giãn cách.
Nở rộ mốt cúng online
Với nhiều người dân Hà Nội, dịch vụ cúng online đã không còn xa lạ. Ông Nguyễn Hữu Thọ (55 tuổi) cho biết, dịch vụ cúng online khá thuận tiện trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội.
Gia đình ông Thọ có người thân yên nghỉ tại nghĩa trang ở Hòa Bình. Giãn cách xã hội khiến ông Thọ không thể đến tận nơi thăm viếng mộ phần tổ tiên, đành nhờ dịch vụ cúng online làm giúp.
Nếu muốn đặt đồ thực tế, bộ phận hậu cần của một số nghĩa trang sẽ chuẩn bị, triển khai sau đó quay phim chụp ảnh lại gửi về cho gia đình thông qua địa chỉ email. Người dùng còn có thể lựa chọn các gói “Vu lan 1”, “Vu lan 2”, “Tảo mộ 1” và “Tảo mộ 2” để tỏ lòng thành kính với người đã khuất.
Chi phí của những dịch vụ này, tùy thuộc vào việc lựa chọn đồ cúng, mà giá phát sinh có thể lên đến 500.000 đồng cho một mâm cúng.
Năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng tổ chức lễ Vu Lan trực tuyến. Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan. Các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu lan năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào phật tử và nhân dân.
"Tăng ni, phật tử bằng hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất trong mùa Vu lan năm nay hãy tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và Quỹ vaccine COVID-19 để chung tay cùng các cấp chính quyền đảm bảo mọi người đều được tiêm vaccine miễn phí và bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân", Giáo hội Phật giáo nêu rõ