Quán triệt các quy định của Ban Bí thư về báo chí, xuất bản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 11/5, tại tỉnh Bình Dương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT), Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị “Quán triệt, triển khai các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII; xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)” khu vực phía Nam.
Quán triệt các quy định của Ban Bí thư về báo chí, xuất bản ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Bình Dương

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy và một số ban, sở, ngành trực thuộc; đại biểu lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, chủ quản nhà xuất bản, lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản tại TPHCM và 32 địa phương khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, việc ban hành các quy định đã tiếp tục khẳng định, làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản; là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Quán triệt các quy định của Ban Bí thư về báo chí, xuất bản ảnh 2

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (giữa) nhận quà lưu niệm từ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian qua, ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, trong đó số đông là tạp chí.

“Việc các cơ quan báo chí thành lập thêm chuyên trang, ấn phẩm là tốt nhằm phát huy hết tiềm năng, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí có dấu hiệu vươn vòi, cấu kết… làm sai tôn chỉ, không chỉ vi phạm quy định, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh báo chí.”, ông Lâm cho hay.

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 815 cơ quan báo chí, 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 19.000 người được cấp thẻ nhà báo.

Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết thêm, có những cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản thậm chí không quan tâm, giao hết trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Hội Nhà báo. “Quy định đã đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Tới đây, ngành chức năng sẽ xử lý, rút giấy phép hoạt động đối với cơ quan báo chí và chủ quản không đủ năng lực”, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị phải tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các quy định trên; thông tin, báo cáo kết quả thực hiện quy định ở các cấp theo từng quý, từng năm; biểu dương, khen thưởng các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát hợp tình hình thực tế.

Quán triệt các quy định của Ban Bí thư về báo chí, xuất bản ảnh 3

Các đại biểu dự hội nghị.

Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng nước ta. Vì vậy, cần phải xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách thật bài bản, trang trọng; triển khai kế hoạch kỷ niệm với phương châm như Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; thiết thực xây dựng nền báo chí truyền thông ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại như tinh thần văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

“Những thành quả đạt được của Bình Dương có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí, xuất bản trong và ngoài tỉnh. Với vai trò kênh thông tin chính thống, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, các cơ quan báo chí, xuất bản của tỉnh và cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh luôn nỗ lực hoạt động hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát thực tiễn của tỉnh, thông tin, tuyên truyền đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh; phản ánh kịp thời những vấn đề, sự kiện quan trọng của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi.

MỚI - NÓNG