Phó Chủ tịch nước: Nông dân chuyên nghiệp là nông dân có tri thức, dám nghĩ, dám làm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, những nông dân có tri thức là người nông dân dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong các phong trào thi đua, lao động, đổi mới, sáng tạo. Chỉ khi người nông dân được trang bị đầy đủ kiến thức, phương tiện, khoa học kỹ thuật, khi đó chúng ta mới có thể chuyển sang sản xuất nông nghiệp mang tính chất hàng hóa, chuyên nghiệp.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Diễn đàn Nông dân quốc gia” lần thứ VII với chủ đề: “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Phó Chủ tịch nước: Nông dân chuyên nghiệp là nông dân có tri thức, dám nghĩ, dám làm ảnh 1

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, "Diễn đàn Nông dân quốc gia" lần này diễn ra trước thềm Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ VI (2022-2027) là một hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực.

Theo Phó Chủ tịch nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta thời gian qua phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hoá; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đang có nhiều thay đổi, đặt ra cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn những yêu cầu mới, thách thức mới.

Phó Chủ tịch nước: Nông dân chuyên nghiệp là nông dân có tri thức, dám nghĩ, dám làm ảnh 2

Hơn 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia thảo luận, đặt câu hỏi tại diễn đàn

Với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, Trung ương Hội Nông dân và Bộ NN&PTNT cần tập trung thảo luận làm rõ nội hàm, khái niệm thế nào là người nông dân chuyên nghiệp, tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi mình thành những nông dân chuyên nghiệp

Đặc biệt, vấn đề tri thức hóa người nông dân đã được nói nhiều đến trong thời gian gần đây. Nhưng làm sao người để nông dân thay đổi tư duy, nhận thức theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi các bộ, ngành cần phải có giải pháp cụ thể.

“Quá trình sản xuất nông nghiệp phải được gắn với công tác đào tạo nghề nhằm hình thành những nông dân có tri thức, trình độ, đó là những người nông dân dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong các phong trào thi đua, lao động, đổi mới, sáng tạo. Chỉ khi người nông dân được trang bị đầy đủ kiến thức, phương tiện, khoa học kỹ thuật, khi đó chúng ta mới có thể chuyển sang sản xuất nông nghiệp mang tính chất hàng hóa, chuyên nghiệp”, Phó Chủ tịch nước gợi mở.

Phó Chủ tịch nước đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện và cụ thể hóa chương trình, đề án tri thức hóa người nông dân. Bên cạnh đó, có các chính sách để thu hút các lao động có trình độ, tri thức về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm việc tại các hợp tác xã.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, mục tiêu đến năm 2030, cả nước phấn đấu có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người.

Nông dân làm nông nghiệp, ở nông thôn thì đương nhiên họ đóng vai trò chủ thể trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới trong một tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để đảm nhận vai trò chủ thể của mình.

MỚI - NÓNG