Phát hiện ngôi làng cổ 7.000 năm tuổi ở châu thổ sông Nile

Khu định cư 7.000 năm tuổi được khai quật ở phía bắc Ai Cập. Ảnh: AFP.
Khu định cư 7.000 năm tuổi được khai quật ở phía bắc Ai Cập. Ảnh: AFP.
Những tàn tích từ thời kỳ đồ đá mới giúp các nhà khảo cổ học có cái nhìn rõ hơn về cộng đồng người Ai Cập cổ đại.

Bộ Cổ vật Ai Cập hôm 2/9 công bố phát hiện một trong những khu định cư lâu đời nhất ở vùng châu thổ sông Nile tại địa điểm khảo cổ Tell el-Samara, thuộc tỉnh Dakahlia, phía bắc nước này. Những tàn tích được tìm thấy chứng tỏ cộng đồng người Ai Cập cổ đại đã định cư ổn định từ rất sớm, AFP đưa tin.

Nhóm nghiên cứu đã khai quật được các hầm chứa thức ăn với nhiều xương động vật và mẩu thực vật còn sót lại, cùng nhiều mảnh gốm và dụng cụ bằng đá từ thời kỳ đồ đá mới có niên đại khoảng 5.000 năm trước Công nguyên, trước khi vùng đất này chịu sự cai trị của các vị vua Pharaoh.

Các nhà khảo cổ học tin rằng ngôi làng đã ra đời sớm hơn khoảng 2.500 so với Đại kim tự tháp Giza, một trong những công trình cổ nhất và nổi tiếng nhất ở Ai Cập. Ayman Ashmawy, một quan chức thuộc Bộ Cổ vật cho biết chưa từng phát hiện công trình tương tự nào có tuổi đời lớn như vậy tại khu vực này.

Theo Frederic Geyau, trưởng nhóm nghiên cứu, các phân tích vật liệu sinh học  có thể tiết lộ nguồn gốc hoạt động nông nghiệp của người Ai Cập cổ đại, đồng thời giúp các nhà khoa học hiểu thêm về những cộng đồng người tiền sử đầu tiên định cư tại các vùng ẩm ướt ở đồng bằng châu thổ sông Nile. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG