Nema Fathi nói rằng nhóm hợp xướng nữ của cô quyết tâm phá bỏ điều cấm kỵ ăn sâu bám rễ trong xã hội, rằng phụ nữ không được hát thánh ca Hồi giáo ở nơi công cộng.
Hát những bài ca ngợi Chúa và nhà tiên tri Hồi giáo Mohammad là phong tục tôn giáo phổ biến ở Ai Cập và Trung Đông, nhưng gần như chỉ được đàn ông thể hiện.
Các thành viên của Al Hur, nhóm hợp xướng Hồi giáo toàn nữ đầu tiên của Ai Cập, quyết tâm thay đổi điều đó, nhằm phá bỏ điều cấm kỵ rằng phụ nữ không được hát thánh ca hay đọc kinh Quran ở nơi công cộng.
“Phụ nữ hát thánh ca không chỉ phá vỡ định kiến của xã hội về nữ giới mà còn tạo nên một phong cách khác biệt mới trong nghệ thuật mà lâu nay chỉ có đàn ông thống trị”, Nema Fathi, 26 tuổi, cho biết. Cô là người lập ra nhóm Al Hur.
Ngồi trên những chiếc ghế trong phòng thu ốp gỗ, 7 cô gái trẻ nhìn lời bài hát trên màn hình điện thoại rồi nhắm mắt lại và ngân nga giai điệu thánh ca trong tiếng đệm của đàn piano và trống.
Fathi luyện một loại hình âm nhạc tôn giáo gọi là “inshad”, hoặc tụng kinh, nghĩa là hát những bài hát tôn giáo, ca ngợi Chúa và nhà tiên tri Mohammed.
Kiểu hát này được sử dụng trong cả các sự kiện thế tục và tôn giáo ở Trung Đông, nhưng gần như chỉ do nam giới thể hiện, trong khi phụ nữ biểu diễn công khai sẽ bị coi là hỗn tạp.
Fathi cho biết cô bị chỉ trích nhiều từ khi lập ra nhóm Al Hur vào năm 2017, sau khi kết nối với 2 cô gái khác có chung đam mê.
“Từ khi lập nhóm, chúng tôi bị nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực này chỉ trích nặng nề để ép chúng tôi bỏ cuộc”, Fathi cho biết.
“Nhiều người nói rằng tiếng hát của phụ nữ là đê tiện. Sao phụ nữ lại hát thánh ca được? Họ nói như vậy. Nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ thành công”, Fathi khẳng định.
Nhóm của cô đang bận tập luyện cho lễ hội âm nhạc tôn giáo vào tháng sau và sẽ làm một bản inshad phối lại về nhà tiên tri Mohammed để đưa lên YouTube vào cuối năm nay.
Fathi nói rằng cô hy vọng ngày nào đó cô có thể một trường dạy hát, dù sẽ gặp khó khăn về thủ tục và tài chính.
“Tôi luôn mơ ước mở một học viện để dạy các bé gái hát bài hát tôn giáo, để họ thể hiện một cách nữ tính những bài thánh ca Hồi giáo”, cô chia sẻ.