PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Chưa có trải nghiệm nào về loa phường trên thế giới như ở ta

0:00 / 0:00
0:00
TPO - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm “không cần thiết có hệ thống loa phường ở khu vực đông dân cư", ông cũng cho biết chưa có trải nghiệm nào về loa phường trên thế giới giống như ở ta.

Hiện nay dư luận trái chiều quanh dự án khôi phục hệ thống loa phường ở Hà Nội, vậy quan điểm của ông thế nào về việc nên giữ hay bỏ loa phường?

Loa phường từng có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Thủ đô. Trong chiến tranh, những tiếng loa báo động đã giúp đồng bào ta chủ động tránh được bom đạn; thông tin thắng trận giúp nhân dân Thủ đô có thêm quyết tâm, hăng hái trong sản xuất, lao động và chiến đấu, thông tin kinh tế-xã hội trong điều kiện thiếu thốn nguồn tin... Tức là, loa phường có một vai trò rất lớn và phù hợp với một giai đoạn lịch sử của đất nước và Thủ đô.

Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay đã khác. Không chỉ điều kiện kinh tế, các phương tiện truyền thông phát triển mà còn cả khung cảnh xã hội với mật độ dân cư, nhận thức của con người cũng rất khác. Đó là lý do thông tin giờ đây nghiêng nhiều về cá nhân hóa theo nhu cầu của người sử dụng, được xử lý trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Đành rằng, chúng ta vẫn còn có những giai đoạn đặc biệt, như COVID-19 vừa qua, ở đó loa phường phát huy tác dụng. Nhưng cân đối lợi-hại, thuận tiện-không thuận tiện, tôi vẫn nghĩ rằng việc triển khai loa phường ở Hà Nội, đặc biệt là khu vực đông dân cư, nội thành là không cần thiết.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Chưa có trải nghiệm nào về loa phường trên thế giới như ở ta ảnh 1

"Tôi chưa có trải nghiệm nào về loa phường ở trên thế giới như ở ta (đặt ở khu vực đông dân cư...).

Nội dung, tần suất và thời điểm phát sóng của loa phường khiến nhiều người bức xúc. Trong trường hợp Hà Nội “cố thủ” giữ lại hệ thống truyền tin này thì phải ứng xử với bài toán này như thế nào?

Khi triển khai một hoạt động như loa phường, chắc chắn chúng ta phải làm rõ những câu hỏi có liên quan như: Chúng ta thông tin gì? Thông tin cho ai? Hiệu quả như thế nào? Nguồn lực ở đâu để có thể làm thường xuyên liên tục? Đặc biệt là những tác động xã hội của hoạt động này. Đây không phải là những câu hỏi dễ trả lời và thuyết phục được đa số người dân Hà Nội.

Tôi từng ở cạnh loa phường và thấy rất phiền phức cả về âm thanh cùng những thông tin không thực sự cần thiết. Hơn thế, giờ đây, các khu chung cư thường có hệ thống âm thanh riêng, các kênh thông tin từ mạng xã hội đã phát huy tác dụng, thì việc đặt câu hỏi hệ thống loa phường ở các đô thị có cần thiết hay không thực sự là một vấn đề nghiêm túc.

Thực ra, không có lý do gì khiến chúng ta bắt buộc phải giữ lại hệ thống thông tin này ở những nơi không phù hợp, đặc biệt là không hợp với lòng dân. Lê Nin từng nói: Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”. Đó cũng nên coi là kim chỉ nam cho hoạt động đúng của chúng ta, trong đó có liên quan đến loa phường.

Tất nhiên, tôi cũng đồng ý rằng, loa phường có thể không phù hợp với đô thị Hà Nội, nhưng với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hệ thống thông tin này vẫn có những giá trị nhất định. Vì thế, chúng ta càng không máy móc áp đặt chính sách cho mọi đối tượng, mọi vùng miền để chính sách có sức sống, hiệu lực, hiệu quả trong chính cuộc sống rất đa dạng và phong phú này.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Chưa có trải nghiệm nào về loa phường trên thế giới như ở ta ảnh 2

Nhiều người đồng tình cho rằng loa phường đã chấm dứt vai trò lịch sử. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Có người lại dẫn chứng về việc Nhật Bản giữ lại hệ thống loa để phát cảnh báo sóng thần, thiên tai. Theo ông, Hà Nội có nên căn cứ vào bài học này để noi theo không?

Tôi được biết một số nước vẫn sử dụng hệ thống loa như một loại phương tiện thông tin chủ yếu mang tính cảnh báo. Đây là chức năng của hệ thống loa phóng thanh không bị thời gian và sự hiện đại của các phương tiện truyền thông vượt qua. Chắc chắn đây sẽ là những kinh nghiệm mà chúng ta cần phải học hỏi để khi trang bị hệ thống loa phát thanh mới đạt hiệu quả tốt nhất, phù hợp với thời đại. Nhưng đây lại không phải là câu chuyện loa phường mà chúng ta đang đề cập.

Tôi chưa có trải nghiệm nào về loa phường ở trên thế giới như ở ta (đặt ở khu vực đông dân cư, thông tin thường xuyên về kinh tế - xã hội, chính sách của địa phương). Điều đó không có nghĩa là thế giới không có thì ta cũng không nên có, vì mỗi quốc gia có đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt là văn hóa khác nhau thì có thể có những cái riêng của mình, không thể và không cần bắt chước ai cả.

Song đúng là với trải nghiệm của bản thân tôi và lắng nghe dư luận xã hội, tôi nhận thấy rằng việc lắp loa phường ở nội đô Hà Nội là lãng phí và không phù hợp. Thế nên tôi nhấn mạnh rằng, chắc chắn chúng ta cần có đánh giá tác động xã hội, nghiên cứu dư luận thật cẩn thận trước khi thực hiện kế hoạch này. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện trách nhiệm trước nhân dân và trước công việc.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.