Họa sĩ Nguyễn Dương Đính:

Nude với nét

TP - Nhiều họa sĩ khi vẽ nude thường có những yêu cầu nhất định về mẫu, chất liệu hay tư thế sắp đặt, không gian, ánh sáng... nhưng Nguyễn Dương Đính thì hoàn toàn tôn trọng chủ nghĩa tự nhiên. Mẫu nude trong tranh ông, vì thế ít khi tròn mọng, căng đầy mà muôn hình muôn vẻ, như chính cuộc sống với đủ cả gai góc, xù xì.

Vẻ đẹp nhất là vẻ tự nhiên

Ở tuổi 67, Nguyễn Dương Đính mới mở triển lãm cá nhân thứ 2 của mình, một con số khiêm tốn với một họa sĩ chuyên nghiệp, lao động nghệ thuật miệt mài như ông.

Ở lễ khai mạc của cả 2 cuộc triển lãm, họa sĩ đều kiệm lời, không giải thích hay bày tỏ về quan điểm nghệ thuật hay mục đích triển lãm. Ông bảo vẽ tranh với ông cũng giống như viết nhật ký, mỗi bức tranh phản ánh cảm xúc của chính ông trong khoảnh khắc ấy, nên mỗi cuộc triển lãm đơn giản như viết xong một cuốn để chuẩn bị sang cuốn khác.

Nude với nét ảnh 1
Nude với nét ảnh 2
Nude với nét ảnh 3

Một số tác phẩm của Nguyễn Dương Đính.

Nude của INH bày 59 bức tranh nude, có cả mẫu Việt và ngoại quốc. Các bức tranh thoạt trông khá giống các bức phác thảo, nhiều bức nhỏ còn để nguyên cả lề của loại giấy đóng sổ sách, dễ khiến người ta cảm thấy bỡ ngỡ.

Có bức tranh ông vẽ bằng chì, có bức lại vẽ bằng mực, than hoặc màu nước; khổ giấy lớn nhỏ từ A0 đến A4, thậm chí có một số bức trong triển lãm lần này chỉ đặt trong lòng bàn tay.

“Tiếng nói” của đường nét trong tranh ông rất phong phú, lúc nhanh lúc chậm, khi mạnh mẽ dứt khoát, khi run rẩy dịu dàng. Tranh nude của ông không đi sâu vào khai thác vẻ đẹp tròn đầy, căng mọng của hình thể, mà thực ra ông cũng không chủ tâm thể hiện hình thể người mẫu.

Ông Đính không đặt ra vấn đề “thanh” hay “tục” trong vẽ nude. Điều ông quan tâm nhất, đó là cảm xúc suy tư của ông về hội hoạ, về cuộc sống, được thể hiện như thế nào trên tranh, qua chủ đề nude.

Vẽ đa dạng, phong phú các đề tài, nhưng kể từ năm 2017, khi tham gia những buổi sinh hoạt cùng nhóm trực họa ở Hà Nội, Nguyễn Dương Đính bắt đầu vẽ nude nhiều hơn. Sau đó, ông còn tham gia nhiều nhóm trực họa đa quốc tịch, đều đặn kí hoạ mẫu nude hằng tuần, và nhanh chóng trở thành một “phong cách” trong các nhóm vẽ mẫu đó.

Nude với nét ảnh 4

Tôi tò mò về những mảng màu vàng nhạt xuất hiện trong một số bức tranh, họa sĩ bật cười tiết lộ đó là nước... cà phê.

Trong một lần say sưa vẽ tranh, ông vô tình làm đổ cà phê lên tranh, không ngờ thời gian sau xem lại mới thấy “nó càng ngày càng đượm màu, trông rất thú vị”. Thế là từ đó, thỉnh thoảng ông sẽ tô màu cho tranh bằng nước cà phê, thậm chí cả nước chè.

Triển lãm “Nude của INH” kéo dài đến 06/4, tại ART30 Gallery – số 30 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hỏi Nguyễn Dương Đính về cảm hứng sáng tạo, họa sĩ thật thà chia sẻ chỉ vẽ tranh theo tự nhiên chứ không đặt ra mục đích hay gò bó theo phương pháp nào. Mỗi lần vẽ, cũng không có kế hoạch hay định hình trước sẽ vẽ như thế nào. Thấy cái gì hay, muốn vẽ là ngồi xuống lôi giấy bút ra ngay. Ông Đính luôn mang theo bên mình chiếc túi nhỏ, mà ông gọi là “túi dạ dày”, trong đó đủ các loại bút vẽ để phục vụ ông có thể sáng tác bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Giấy vẽ cũng không cầu kỳ, nếu không mang đi thì tạt vào cửa hàng văn phòng phẩm bên đường, thậm chí có khi vẽ lên cả vở học sinh.

Từ nét đến hình

Nét vốn là nền tảng của hình vẽ, là yếu tố đầu tiên của thị giác, là phương tiện để trình bày nội dung hội họa và biểu thị cảm xúc suy tư.

Tác phẩm của Nguyễn Dương Đính không nhiều chi tiết, có thể chỉ là một nét bút uốn lượn. Các bức nude vẽ chì trên giấy vì thế giống như để lại những khoảng trống biết nói. Người xem không bị lệ thuộc vào mẫu, vào nude, vào sự giống hay không giống, mà chỉ tập trung vào nét.

Từ nét, các hình khối và sắc độ được tạo lập, các chuyển động được mô tả, và hình thành nên cấu trúc của tác phẩm. Tất cả yếu tố làm nên một bức tranh hoàn chỉnh, đều được xuất phát từ nét.

Bạn bè đồng nghiệp ghi nhận trực họa mẫu người của Nguyễn Dương Đính nhanh ở tốc độ vẽ hình, xúc cảm, chơi với nét nhưng vẫn trúng về cấu trúc, không gian, đặc điểm hình thể dưới nhiều góc nhìn.

Các buổi vẽ cùng nhóm trực họa thường dài 2 tiếng, mỗi kiểu dáng của người mẫu chỉ kéo dài 5-10 phút, nên đòi hỏi họa sĩ phải tập trung vẽ thật nhanh, gọi là “vẽ đuổi”. Ông thường vẽ mà không cần nhìn xuống giấy, cứ mặc sức để đôi tay và bút vẽ tự đuổi theo cảm xúc. Nét nào ấn tượng nhất thì túm lấy. Nên đôi khi bức tranh sẽ được bắt đầu từ vai hoặc chân mà không cần phải đúng tuần tự từ trên xuống dưới. Hoặc giả, ông sẽ vẽ bằng tay trái, khi không muốn độ “quen” của tay phải chi phối cảm xúc hay tư duy của mình, trước người mẫu.

Nude với nét ảnh 5

Khán giả xem tranh tại triển lãm Nude của INH.

“Nhiều người bảo ông này vẽ chả đúng, nhưng có nhiều bức tôi không muốn sửa, bởi chỉ thêm một nét vào cũng có thể chệch đi với tổng thể ban đầu” - Nguyễn Dương Đính kể.

Tác phẩm của ông vì thế, không tái hiện sự vật với kĩ năng hay phong cách riêng của hoạ sĩ, mà thường trình bày những cảm nhận, suy tư, những tương tác của họa sĩ với sự vật, từ đây, bộc lộ quan niệm và nhận thức nghệ thuật của họa sĩ.

“Tôi rất thích những ký hoạ của họa sĩ. Những nét rất nhanh, chính xác, duyên dáng. Không có bất cứ một sự bối rối, dò dẫm, cân nhắc nào, dường như những đường nét hiện lên như tự nhiên vậy, không phụ thuộc vào mẫu nhưng lại thể hiện rất “trúng” đặc điểm hình thái, thần thái của đối tượng.

Nói cách khác đó chính là “linh” nét, là thứ mà chỉ có sự làm việc cần mẫn sảng khoái mới đạt được”, họa sĩ Lưu Vũ Long chia sẻ sau khi xem tranh tại triển lãm.

Ở tuổi U70, Nguyễn Dương Đính vẫn chăm chỉ đi thực tế, miệt mài vẽ hàng ngày. Ông thấy cần thiết phải luyện tập, cần thiết phải tư duy, phải va đập với thực tế, để có thể tiếp tục làm nghề một cách bình thường.