Nữ sinh trường huyện đạt điểm 10 môn Văn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đam mê sáng tạo và cần cù mượn sách vở từ thầy cô giáo để học hỏi, nữ sinh Nguyễn Mai Anh, học sinh Trường THPT Phạm Văn Nghị, huyện Ý Yên (Nam Định) đã xuất sắc giành được điểm tuyệt đối bài thi Ngữ văn.

Đam mê sáng tạo và cần cù mượn sách vở từ thầy cô giáo để học hỏi, nữ sinh Nguyễn Mai Anh, học sinh Trường THPT Phạm Văn Nghị, huyện Ý Yên (Nam Định) đã xuất sắc giành được điểm tuyệt đối bài thi Ngữ văn.

Nữ sinh trường huyện đạt điểm 10 môn Văn ảnh 1

Nữ sinh Nguyễn Mai Anh là một trong 5 thí sinh xuất sắc đạt điểm tối đa bài thi Ngữ văn.

Kết quả công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của Bộ GD&ĐT đã gọi tên 5 thí sinh có bài thi Ngữ văn đạt điểm 10, trong đó có Mai Anh.

Chia sẻ với PV, nữ sinh xúc động chia sẻ: “Em chờ xem điểm cùng bố mẹ. Khi thấy kết quả bài thi đạt điểm 10, bố mẹ đã rất vui sướng, hạnh phúc, còn em đã dự cảm được nên không quá bất ngờ”.

Với bài thi trắc nghiệm, sau khi làm bài thí sinh có thể chắc chắn được mình đạt bao nhiêu điểm nhưng Ngữ văn là bài thi tự luận rất khó để đoán điểm. Thế nhưng, học sinh này lại khác.

Em kể, khi vào phòng thi, cầm đề trên tay em có chút hụt hẫng vì trước đó cứ nghĩ năm nay đề thi rơi vào bài “Đất nước” hoặc “Vợ chồng A Phủ”, hai tác phẩm mà em thích nhất trong chương trình Ngữ Văn 12. Tuy nhiên, em đã lấy lại tinh thần viết 1 mạch suốt 110 phút được 11 mặt giấy. Trong thời gian đó, em có dừng lại 5 phút trước bài Nghị luận xã hội để sắp xếp các dẫn chứng, liên hệ và nghĩ cách hành văn thế nào cho tốt và 5 phút cuối giờ để kiểm tra lại bài.

“Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh liên hệ hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió của gia đình người đàn bà làng chài trong đoạn trích của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, em đã không lấy dẫn chứng xa xôi mà dẫn những hiện thực cuộc sống người đàn bà với nhân vật cụ Tứ, Mị trong Vợ chồng A Phủ, Thị trong Vợ nhặt…. Đó đều là những hình ảnh gần gũi trong văn học”, Mai Anh nói.

Cũng theo thí sinh này, đề Ngữ văn phần yêu cầu trình bày suy nghĩ trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước cha anh đi trước, bằng lối diễn đạt dung dị, ngắn gọn em đã liên hệ với những hình ảnh, tinh thần thế hệ trẻ giỏi sáng tạo công thức bánh mì thanh long để giải cứu nông sản cho nông dân “được mùa”. Hay đó là ATM gạo cứu trợ cũng như hình ảnh thân thương, tình người đùm bọc lẫn nhau vượt qua đại dịch mới đây.

Sau khi làm bài em rất tâm đắc, nhất là phần mở bài, do đó em đoán mình sẽ được 9 điểm nhưng đọc đáp án của Bộ GD&ĐT, tất cả các phần mở rộng, liên hệ em đều đủ ý cộng với cách dùng từ, lối diễn đạt thường ngày được cô giáo đánh giá sáng tạo em linh cảm mình sẽ đạt điểm cao hơn nữa.

Theo đuổi khối D01, kết quả bài thi không khiến em thất vọng khi Ngữ văn đạt điểm 10, Tiếng Anh 9,4 và Toán 8,6.

Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt 3 năm THPT, Mai Anh là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Tiếng Anh. Thế nhưng em lại học Văn bằng tình yêu và niềm đam mê, là nơi em xả stress sau mỗi giờ học căng thẳng với các môn học khác.

“Em thường nghe audio những tác phẩm hay có thể đắm chìm trong một đoạn trích, bài văn hay như một hình thức giải trí. Từ nhỏ, em đã được giáo viên đánh giá có cách cảm thụ văn chương khá tốt. Đặc biệt, đến lớp 12, chương trình Ngữ văn với rất nhiều tác phẩm thu hút, khiến em có nhiều cảm xúc, say mê, thích thú đọc, tìm hiểu từ sách này sang sách khác đôi lúc quên rằng mình học để thi”, em tâm sự.

Không viết văn theo lối mòn

Đối với môn Văn, từ nhỏ em đã có thói quen đọc nhiều sách, trích dẫn hay trên mạng để trau dồi vốn từ. Trên lớp, chủ động lắng nghe bài giảng và ghi chép, đặc biệt thường xuyên giơ tay phát biểu, tương tác với giáo viên là cách rèn luyện khả năng giao tiếp, nói trước nhiều người đồng thời ghi nhớ kiến thức tốt nhất.

Sát kỳ thi, em dành nhiều thời gian đầu tư cho phần mở bài, tác giả, tác phẩm, đánh giá nghệ thuật… đó chính là điểm chạm gây ấn tượng cho giám khảo. “Mỗi bài văn, em không muốn viết theo lối mòn mà có cách diễn đạt, thể hiện khác nhau để thể hiện được ý tưởng. Qua đây, em muốn cảm ơn bố mẹ và cô giáo dạy Văn đã truyền cho em cảm hứng, niềm tin rằng em có cách thể hiện đặc biệt, sẽ đạt điểm cao”, thí sinh này chia sẻ.

Em nhớ, trước kỳ thi chính thức, nhà trường và Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức nhiều đợt thi thử để học sinh tập dượt. Có lần, em bị điểm 8 một bài thi thử và đã rất hoang mang, hụt hẫng.

“Trao đổi lại với thầy cô để biết, mình thiếu sót ở đâu, cách viết như thế nào để bù đắp là cách em vẫn làm trong suốt quá trình học nhằm rút ra kinh nghiệm cho bài thi sau”, em nói.

Trước kỳ thi, cô trò nhỏ đã được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) bằng bài thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, với 28 điểm tổ hợp Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, Mai Anh dự định sẽ nộp hồ sơ vào ngành Quản trị Kinh doanh hoặc Kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Ngoại Thương. Em mơ ước, sau khi ra trường sẽ có công việc liên quan đến lĩnh vực sáng tạo.

Cô Bùi Thị Lệ Hằng, giáo viên dạy Ngữ văn cũng là người truyền cảm hứng cho Mai Anh nhiều năm dưới mái trường THPT đánh giá, cô trò nhỏ là người rất ham học, giỏi toàn diện. Em luôn có tinh thần học hỏi, tìm tòi để tìm ra được giải pháp tốt nhất.

Ví dụ như những bài làm chưa đạt điểm 10, em tìm đến thầy cô để trao đổi thêm những ý mình thiếu sót, rút kinh nghiệm cho bài làm sau. “Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, em cũng trao đổi về bài làm của mình với cô giáo. Cô học trò này có thế mạnh trả lời ngắn gọn, chính xác phần đọc hiểu và phần viết nghị luận có cách diễn đạt rất tốt”, cô Hằng nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.