Chùa Pitu Khôsa Răngsây hay còn gọi là chùa Viễn Quang, nằm ẩn khuất trong con hẻm trên đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, được xây dựng năm 1948.
Chùa là nơi lưu giữ văn hoá Khmer như đàn ngũ âm, các điệu múa Chja Dăm, múa dân gian… và được trình diễn trong những ngày lễ quan trọng như Oóc Om Bóc, Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, lễ Dâng Y, lễ Cúng trăng.
Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây cho biết, nhà chùa còn đang lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa của dân tộc Khmer. Điển hình là lưu truyền khoảng 10 bộ sách lá buông (loại thư tịch cổ quý hiếm của người dân tộc Khmer gọi là Satra) được xem là ‘báu vật’ của đồng bào Khmer Nam bộ trên 500 tuổi; lưu trữ bộ Tam tạng kinh 110 quyển, các đầu sách pháp luật, khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tại chùa còn đào tạo âm nhạc cho các em học sinh, sinh viên để phục vụ các lễ, tết của đồng bào dân tộc Khmer.
Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây hướng dẫn học trò cách chơi nhạc ngũ âm. Ảnh: Hòa Hội |
Bên cạnh đó, sắp tới chùa sẽ làm phòng truyền thống để trưng bày các dụng cụ lao động của đồng bào Khmer; đồng thời, mở lớp dạy phổ cập tiếng Khmer cho các em học sinh, phục dựng các loại hình nghệ thuật để bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc.
Ban đầu, chùa Pitu Khôsa Răngsây chỉ cất bằng cột cây mái lá đơn sơ với kiến trúc khá độc đáo theo hệ phái Nam tông Khmer trên khu đất rộng 645m2, do bà con phật tử cúng dường. Năm 2008, chùa được đại trùng tu và đã hoàn thành sau 4 năm thi công, khánh thành vào năm 2012. Hiện chùa Pitu Khôsa Răngsây được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất vùng ÐBSCL, quanh năm tiếp đón khách du lịch khắp nơi về hành hương và đông đảo bà con người Khmer miền Tây Nam bộ đến chiêm bái.
Điển hình như đối với múa là một loại hình nghệ thuật được phổ biến rộng rãi nhất trong cộng đồng người Khmer ở Nam bộ. Từ bao đời nay, múa đã được sáng tạo và tích tụ thành một kho tàng nghệ thuật với nhiều thể loại rất phong phú và hấp dẫn. Đa số người Khmer đều biết múa. Mỗi kỳ lễ hội, đám tiệc, liên hoan… đều có tổ chức múa. Múa cũng là một bộ phận quan trọng trên các sân khấu, riêng sân khấu Rôbăm, múa còn được xem là một loại ngôn ngữ để biểu đạt nghệ thuật. Ba điệu múa dân gian tiêu biểu nhất là múa Romvông (còn gọi là Lâm thôn), Lâm lêu và Saravanh từ lâu hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng người Khmer như một thứ máu thịt không thể tách rời.
Theo thượng tọa Lý Hùng, văn hóa Khmer còn thể hiện qua kiến trúc chùa. Đó là nét văn hóa đa dạng, đặc trưng của dân tộc Khmer Nam bộ, mà mỗi khi khách đến, đặc biệt là khách quốc tế rất thích thú, chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo này.