Những thủ lĩnh đại ngàn: Nữ già làng đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội xem bà H’Blâm như người mẹ thứ hai
Bộ đội xem bà H’Blâm như người mẹ thứ hai
TP - Bà Ksor H’Blâm giữ chức già làng là một điều đặc biệt. Ở vị trí già làng bà H’Blâm đã giúp xoá bỏ nhiều hủ tục trong làng Krông (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai). Hiện, nữ già làng cùng bộ đội, chính quyền hướng dẫn, giúp đỡ người dân vùng biên thoát nghèo.

Không còn hủ tục man rợ

Căn nhà bà H’Blâm nằm giữa làng Krông, do Trung đoàn kinh tế - Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) xây tặng. Xe lu, máy đào làm công trình Thủy lợi Ia Mơr để khắp khu vườn hơn 1 ha nhà bà. Giữa vùng đất đầy sỏi đá, nắng gió quanh năm, những cây xoài cổ thụ trong vườn nhà bà H’Blâm vẫn sum suê cho quả ngọt. Lạ lùng nhất, vườn cây trái ấy bà chỉ để người dân trong làng ăn và mắc võng nghỉ trưa.

Gặp chúng tôi, nữ già làng có khuôn mặt đôn hậu kể lại chuyện xưa. Ngày ấy, như bao sơn nữ mộc mạc trong làng, vừa tròn 16, H’Blâm nộp đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Quên cả chuyện yêu đương bà đảm nhận làm giao liên, chuyển giấy tờ, cáng thương binh, gùi lương thực, vũ khí, dẫn đường cho bộ đội. Ít ai ngờ cô sơn nữ ngây thơ, mảnh khảnh lại cáng đáng những phần việc của cánh mày râu. Để rồi 5 năm sau, cô gái ấy được tổ chức cử ra miền Bắc học văn hóa, chính trị, quân sự phục vụ quân đội.

Thấm thoát, hơn 20 năm trong quân ngũ, về làm cán bộ xã, cuối cùng bà trở thành già làng Krông khi ở tuổi 50. “Mình nhớ thời điểm năm 1998, dân làng Krông đến nhà rông chọn ra người uy tín nhất làm già làng. Không ngờ mọi người khuyên tôi làm già làng. Bất ngờ lắm, vì tập tục lâu nay chỉ đàn ông mới được chọn. Người Ja Rai là thế, đơn giản họ chọn vì thấy tôi được theo bộ đội, không nói dối”, bà H’Blâm nhớ lại.

Ngày đó, người làng Krông còn nhiều hủ tục, có người đã chết oan vì tin “Yàng (trời) chữa bệnh” nên mỗi khi bị đau ốm lại mang nhau đi cúng. Già làng H’Blâm nhớ như in hơn 15 năm trước, trong làng có cô gái mang bầu và sinh đôi được 2 em bé, nhưng tập tục của Ja Rai cho rằng điều này là xui xẻo và phải bóp chết một đứa thì đứa còn lại mới sống được. Nghe tin, bà liền chạy bộ từ rẫy xa về ngăn chặn. “Tôi đến nhà họ nói rằng, ngày xưa việc sinh đôi chết cả hai là do cả hai đứa bé cùng bú, người mẹ không đủ sữa nên nó yểu mệnh, chứ không phải do Yàng làm. Nói rồi, tôi hướng dẫn bố mẹ nó cách chăm sóc cặp sinh đôi; nhận cả hai đứa làm con nuôi để họ đỡ lo lắng”, bà H’Lâm kể. Dù vậy, cả làng vẫn sợ, chỉ khi cặp sinh đôi biết chạy, vui tươi, khỏe mạnh, cả làng mới tin cái bụng và lời nói của già H’Blâm là thật.

Ngay cả hủ tục chôn chung ghê rợn (người sau chôn cùng người trước vào một quan tài; có khi phải cạy nắp quan tài vừa được chôn cất vài tháng để bỏ thi thể người mất sau vào) cũng được xóa bỏ. Điều kinh khủng này cũng nhờ già H’Blâm mà làng Krông đã từ bỏ hủ tục đó.

Những thủ lĩnh đại ngàn: Nữ già làng đặc biệt ảnh 1
Bà H’Blâm sâu sát đến từng gia đình trong làng

Cho mượn bò giống, thoát nghèo

Ở tuổi 75, nhưng sức khỏe, tinh thần nữ già làng H’Blâm còn nhanh nhẹn như một tráng niên. Già H’Blâm không lập gia đình, mà theo cách nói của một số dân làng là dành cả đời vận động xóa bỏ tư duy lạc hậu, bày cách làm ăn cho dân làng Krông và các làng xung quanh. Cũng có người nói rằng, tình cảm bà đã dành hết cho những đứa con nuôi của mình giờ họ đã thành cán bộ.

Già làng H’Blâm đang nuôi 20 con bò. Trong làng Krông nếu có hộ nghèo, hoặc vợ chồng nào mới cưới, thay vì cho tiền, nữ già làng sẽ cho họ mượn từ một đến hai con bò cái làm vốn. Hộ được mượn sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái đến khi sinh ra bê con. Khi con bê được 6 tháng, già làng sẽ chuyển bò giống cho gia đình khác. Việc cho mượn bò thoát nghèo này được già thực hiện từ mấy chục năm nay. Được biết, bây giờ làng Krông chỉ 66 hộ dân nhưng có gần 300 con bò.

“Tôi luôn khuyên các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, vì vùng đất này khô cằn, toàn sỏi đá, không tìm ra nước tưới. Cây điều dễ sống nhất, kể cả đất đồi sỏi đá, vậy mà trồng ở đây mùa ra hoa cũng bị gió thổi nát hết. Giờ tôi và người dân cả xã Ia Mơr từng ngày chờ Thủy lợi Ia Mơr sớm hoàn thành để tạo vùng tưới, lúc đó trồng hoa màu mới có quả được”, bà H’Blâm bày tỏ nguyện vọng.

Nhờ công lao và uy tín của nữ già làng mà người dân vùng biên giới đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất và góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tổ chức gặp mặt 49 già làng, người uy tín tiêu biểu ở các xã biên giới thuộc 3 huyện Chư Prông, Ia Grai và Ðức Cơ, nữ già làng H’Blâm là một trong số những tấm gương điển hình đó.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, đều đặn mỗi ngày, bà H’Blâm cùng bộ đội biên phòng đi khắp các làng, ngồi chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn dân làng cách chăn nuôi khoa học. Xã có hơn 30km đường biên giới giáp với Campuchia, nhờ già làng H’Blâm nên lâu nay địa phương không có tình trạng vượt biên trái phép, không ai nghe lời kẻ xấu buôn bán các chất cấm xuyên biên giới. “Cách nói, vận động của bà đơn giản và chính nhờ sự mộc mạc, thân gần và chân tình nên ai cũng nghe và làm theo. Có những việc chính quyền không thể nào truyền tải được với người dân bản địa, nhưng chỉ cần già H’Blâm đến tận nhà nói mấy câu là xong. Bà lúc nào cũng gọi chúng tôi, bộ đội là người yêu để chúng tôi đỡ ngại khi đến nhờ làm công việc”, ông Anh nói.

Nhờ uy tín sau những lời nói đúng, hành động đúng, mỗi khi có mâu thuẫn, tranh chấp ở các làng khác trong xã Ia Mơr, người dân đều đến đưa già làng H’Blâm tới giải quyết. Ngay cả việc vợ chồng cãi nhau, bỏ nhau, già H’Blâm đến khuyên can, phân tích đúng sai cũng hóa giải được. Nhiều thanh niên uống rượu xong nẹt pô, đua xe, bà H’Blâm đến tận nhà nhắc nhở, khuyên bảo, họ đã tu chí học hành, lao động, thay đổi để sống tốt.

MỚI - NÓNG