Những lưu ý cha mẹ cần phải biết nếu cho con cắt amidan

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Amidan của cháu bé 9 tuổi nhà tôi hơi to. Có nên cắt cho trẻ hay không? Khi nào cần cắt amidan cho trẻ? Nếu cắt amidan cho trẻ thì cần lưu ý những gì?

Amidan bình thường là tổ chức mô lympho có chức năng tạo ra 5 loại kháng thể Immunoglobuline bao gồm IgA, IgM, IgG, IgD và IgE theo những tỷ lệ khác nhau để bảo vệ cơ thể, tuy nhiên khi amidan bị viêm nhiễm nhiều lần thì khả năng bảo vệ đó giảm hẳn và mặt khác amidan sẽ trở thành nơi vi trùng tích tụ nhiều hơn. Ở lứa tuổi từ 3 tuổi đến 8 tuổi thì amidan khi viêm thường kèm theo hiện tượng phình to lên nên đôi khi làm trẻ gặp khó khăn trong vấn đề hô hấp và ăn uống.

- Vấn đề cắt amidan hiện nay không còn giới hạn theo tuổi. Bạn có thể cắt amidan cho trẻ trong trường hợp:

- Amidan quá to làm rối loạn hô hấp của trẻ như trẻ có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, trẻ khó thở, thở co kéo hoặc co lõm lồng ngực thường xuyên.

- Trẻ bị viêm amidan với triệu chứng như sốt, đau họng, nổi hạch cổ, amidan viêm đỏ có chất xuất tiết tới 7 lần trong một năm, hoặc amidan chỉ viêm 5 lần trong 1 năm nhưng xảy ra trong 2 năm liên tiếp, hoặc amidan chỉ viêm 3 lần trong 1 năm nhưng xảy ra trong 3 năm liên tiếp.

Khi cắt amidan cho trẻ, bạn cần lưu ý:

Trước khi phẫu thuật:

-Tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của nhân viên y tế về yêu cầu trước phẫu thuật như thời gian nhịn ăn, lấy nhiệt độ, đo huyết áp.

- Báo ngay cho bác sĩ những dấu hiệu bất thường vừa xảy ra cho trẻ như sốt, đau họng, ho nhiều hơn, tiêu chảy.

Những quy định này phải được tuân thủ chặt chẽ cho đến khi trẻ được phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật:

- Theo hướng dẫn của nhân viên y tế để phát hiện sớm dấu hiệu nguy cơ và báo ngay dù chỉ là nghi ngờ có nguy cơ xảy ra.

- Tùy theo phương pháp cắt amidan mà trẻ được hướng dẫn nói chuyện ngay hay kiêng nói chuyện.

- Theo dõi màu sắc nước miếng để biết nguy cơ chảy máu.

- Theo dõi cách thở của trẻ: Sự co lõm của lồng ngực, sự phập phồng cánh mũi để biết tình trạng hô hấp.

- Trẻ được xuất viện khi tỉnh hẳn có thể đi đứng bình thường, nói chuyện được, uống được sữa, bác sĩ khám lại thấy họng sạch.

- Đối với trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì phải ở lại cơ sở y tế từ 24-48 giờ.

Những chăm sóc tiếp theo:

- Trẻ có thể đi học ngay ngày hôm sau nhưng tránh la hét, chạy nhảy và vận động mạnh.

- Cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ và tái khám đúng theo hẹn.

- Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn sau cắt amidan như cho trẻ ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đặc tính lỏng-mềm-nguội từ 2 đến 3 tuần sau ngày trẻ được cắt amiđan.

- Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu của nguy cơ chảy máu như có máu lẫn trong nước miếng của trẻ, trẻ ói ra máu bầm hoặc máu tươi.

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ sốt cao, đau nhiều hơn, khó nuốt hơn.

- Thường thì trẻ sẽ hoàn toàn bình thường sau 3 tuần.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG