Nhiều địa phương ngại về đích nông thôn mới

TPO - Thực tế hiện nay có tình trạng khi đạt được nông thôn mới, một số địa bàn, địa phương chững lại, không tích cực, không hăng hái nữa. Theo ông Kha Văn Lập – Bí thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An, nguyên nhân là có tâm lý ngại về đích nông thôn mới.

Ngày 4/8, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023. Hơn 1.000 đại biểu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã tham dự.

Nhiều địa phương ngại về đích nông thôn mới ảnh 1

Toàn cảnh chương trình gặp mặt, đối thoại.

Ông Kha Văn Lập – Bí thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương cho rằng thực tế có tình trạng khi đạt được nông thôn mới, một số địa bàn, địa phương chững lại, không tích cực, không hăng hái nữa.

Theo quy định, những xã khu vực III, II khi về đích nông thôn mới sẽ chuyển thành xã khu vực I nên chế độ, chính sách cho người dân, học sinh, cán bộ bị cắt hoặc giảm. Do đó, một số địa phương có tâm lý ngại về đích nông thôn mới.

Nhiều địa phương ngại về đích nông thôn mới ảnh 2

Ông Kha Văn Lập – Bí thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương phát biểu tại chương trình về vấn đề nông thôn mới.

Ông Lập đưa ra giải pháp là cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để thay đổi tư tưởng, nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khai thác, sử dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh. Đặc biệt, khu vực miền núi như xã Nga My chủ yếu dựa vào nguồn lực từ các cơ chế, chính sách của tỉnh để tạo thành “cú hích” trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Gắn liền với đó là phát huy tối đa nguồn lực địa phương là đất rừng, đất nông nghiệp. Chú trọng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua đầu tư vào con người, cụ thể là giáo dục và đào tạo ngay từ bây giờ.

Nhiều địa phương ngại về đích nông thôn mới ảnh 3

Hơn 1.000 đại biểu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã tham dự chương trình gặp mặt, đối thoại.

Bí thư Đảng ủy xã Nga My kiến nghị tỉnh cần xem xét có chính sách đối với các khu vực miền núi, biên giới đã về đích nông thôn mới như hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế, hỗ trợ học sinh đi học… Có chính sách để khuyến khích các hộ có ý chí, khát vọng, tự lực, tự cường, vươn lên trở thành các hạt nhân phát triển kinh tế, quan tâm nâng cấp giao thông từ xã vào bản.

Cùng nêu vấn đề về công tác xây dựng nông thôn mới, ông Phan Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Thanh chương cho rằng tỉnh có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, chính sách này bộc lộ một số khó khăn như xi măng cấp chậm, nhiều nơi người dân dùng xi măng để hoán đổi sang bê tông tươi…

Ông Dũng đặt vấn đề: “Chính sách hỗ trợ xi măng nên áp dụng linh hoạt là có thể nhận bằng tiền và những xã không nằm trong lộ trình về đích vẫn được hỗ trợ để phát huy nội lực của nhân dân”.

Nhiều địa phương ngại về đích nông thôn mới ảnh 4

Các đại biểu tại chương trình gặp mặt, đối thoại

Tiếp tục đặt câu hỏi, ông Bùi Trọng Long – Bí thư Đảng ủy xã Mã Thành, huyện Yên Thành cho rằng lãnh đạo tỉnh cần có kế hoạch sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cho xây dựng quy hoạch bổ sung một cách đồng bộ, giao các ngành chức năng tham mưu đơn vị tư vấn thiết kế phải có năng lực thực sự, có tầm nhìn và sâu sát thực tế.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã giải đáp những băn khoăn của cán bộ cơ sở. Người đứng đầu địa phương này đã giao các đơn vị liên quan quan tâm chỉ đạo, khi thực hiện công trình phải lấy ý kiến người dân vì mục đích cuối cùng là người dân là đối tượng thụ hưởng.

Tin liên quan